Nghỉ tránh dịch kéo dài khiến nhiều trẻ có dấu hiệu trầm cảm hoặc mắc một số bệnh do trầm cảm gây nên. Vì thế theo chuyên gia sư phạm, cần tâm sự, chia sẻ với các em hàng ngày.
- Mẹ cho con ăn sáng kiểu này rất hại, vừa gây đau dạ dày vừa dễ gây ung thư cho trẻ nhỏ
- Mẹ không nên lạm dụng 3 món canh dinh dưỡng này sẽ gây gánh nặng cho đường tiêu hóa của con, ăn nhiều có thể chậm phát triển
Chị Mai Lan (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, con chị đang học lớp 5, thời gian đầu khi nghỉ học để tránh dịch COVID-19 cháu có vẻ rất thích thú vì không phải học bài. Sau đó nhà trường tổ chức học online và gửi bài tập về cháu cũng vui vẻ làm hết, rất hào hứng vì được trải nghiệm hình thức học mới. Tuy nhiên, thời gian nghỉ kéo dài gần nửa năm khiến cho những thú vui hàng ngày của cháu dần chở nên nhàm chán. Thời gian sử dụng điện thoại và dùng máy tính, xem tivi nhiều hơn.
“Tôi nghĩ rằng một đứa trẻ hiếu động như cháu sẽ không đáng lo nhưng dạo gần đây cháu ngủ rất nhiều, có những hôm đang học online mà lại ngủ gật, ăn uống thất thường. Trông cháu mệt mỏi và phờ phạc, tôi rất lo ngại. Mặc dù ở nhà cũng có em để chơi nhưng cháu lại thích chơi một mình, xem hoạt hình, đọc truyện qua mạng, khiến tôi rất lo lắng”, chị Lan tâm sự.
Có con 4 tuổi, chị Phùng Thị Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, nghỉ học do dịch quá lâu, cậu con trai của chị ngày một ít nói và hay đòi xem tivi.
“Cháu là cậu bé rất tinh nghịch. Hơn nữa, đang trong độ tuổi học hỏi, khám phá nên cháu nói và hỏi bố mẹ rất nhiều nhưng nghỉ học hơn nửa năm nay do phòng dịch chỉ loanh quanh trong nhà, tôi thấy cháu ít nói hơn cũng không còn phản ứng nhanh như trước.
Cháu hay đòi xem tivi, điện thoại nhưng mỗi lần xem lại rất tập trung mà không hề để ý những thứ xung quanh”, chị Hoài lo lắng chia sẻ.
Trước những lo lắng đó, TS Vũ Thu Hương - Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết nhiều gia đình do quá lo lắng về dịch bệnh COVID-19, ít tương tác với các con nên đã không để ý đến tâm lý của con trẻ có thể bị ảnh hưởng vì nghỉ học kéo dài.
Tính đến thời điểm hiện tại, trẻ em tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước nghỉ học đã hơn nửa năm nay. Bên cạnh việc lo bổ sung kiến thức cho các em thì điều đáng quan tâm là sớm nhận biết các biểu hiện về tâm lý, giúp các em không bị rơi vào trầm cảm do ở nhà quá lâu.
Theo chuyên gia tâm lý TS Vũ Thu Hương, các vấn đề về tâm lý này được chia làm 2 nhóm tuổi: Dưới 9 tuổi và trên 9 tuổi.
Đối với trẻ dưới 9 tuổi
TS Vũ Thu Hương cho rằng, với trẻ dưới 9 tuổi, do tích trữ nhiều năng lượng mà không có môi trường để giải tỏa, trẻ dễ trở nên quá hiếu động, phá phách, nghịch ngợm. Giải pháp là cha mẹ, người chăm sóc cần giảm các đồ bồi bổ năng lượng, tăng cường thể thao trong nhà, tìm cơ hội cho trẻ ra ngoài trời, tới các khu vực vắng người để giải tỏa năng lượng.
Nếu trẻ dưới 9 tuổi cảm thấy cô đơn, chán nản thì sẽ có biểu hiện là mút tay, mút môi, sờ một bộ phận nào đó trên cơ thể... Khi đó cha mẹ cần tìm các việc phù hợp cho con làm như hướng dẫn con làm việc nhà; dành nhiều thời gian chơi, đọc sách cùng con hoặc ôm con trước khi ngủ, tâm sự, nói chuyện nhiều, chia sẻ với con và nhờ con cùng mình vượt qua khó khăn.
"Nếu trẻ dễ phát cáu, gây sự, hay khóc, ăn vạ... cha mẹ hãy để con tự nín. Sau khi con ngừng khóc hoàn toàn chừng 15 phút thì hãy nói chuyện, cư xử bình thường, tuyệt đối không nhắc lại vụ việc. Ngày thường nên chơi cùng con, giao tiếp, trao đổi với con, tránh to tiếng...", TS Vũ Thu Hương chia sẻ.
Trẻ cần được cha mẹ quan tâm và tương tác khi ở nhà quá lâu
Đối với trẻ trên 9 tuổi
Trẻ trên 9 tuổi được nhận định là tuổi teen, dễ khủng hoảng hơn nhiều. Vì vậy, theo TS Vũ Thu Hương, việc ở nhà nhiều sẽ khiến các em dễ lao vào các việc bị cấm như: Đọc truyện cấm, xem phim đen, nghiện game...
Với lứa tuổi này, các bậc phụ huynh cần bố trí lại thời gian biểu cho các em, yêu cầu các em sinh hoạt đúng giờ, hợp lý, không thức khuya, dậy muộn.
Một phương pháp hữu dụng đó là tạo điều kiện cho các em trở thành những quản gia, có trách nhiệm bằng niềm tin của gia đình.
"Giao mọi việc từ phân công, quản lý cho các em tự xử; bàn luận về các vấn đề cuộc sống cùng bố mẹ; khích lệ các em vượt qua tính lười biếng để tự học tốt nhất; tìm kiếm thông tin qua sách báo tham khảo và bố trí thời gian ra ngoài dạo chơi", TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tâm lý lứa tuổi trẻ càng cần được bố mẹ quan tâm hơn nữa để tránh những trầm cảm không đáng có. Vì thế, theo chuyên gia điều quan trọng nhất là gia đình nên luôn bên cạnh trẻ, động viên, trò chuyện, giúp trẻ cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.