Trẻ sau 1 tuổi nên uống loại sữa nào và lượng sữa mỗi ngày của trẻ là bao nhiêu để đảm bảo chế độ dinh dưỡng là vấn đề được nhiều bậc cha mẹ quan tâm.
- Bé 2 tháng tuổi mắc giang mai bẩm sinh
- Vắc-xin 6 trong 1: Lá chắn miễn dịch quan trọng cho trẻ trước 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Nên chọn sữa nào cho con?
Sau khi cô con gái đầu lòng được 1 tuổi, chị Nguyễn Hải Hà (27 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) muốn bổ sung thêm sữa ngoài cho con vì thấy sữa mẹ đã giảm.
Hơn nữa, với lịch đi làm bận rộn thì chị Hải Hà không thể đảm bảo cho con bú đầy đủ như giai đoạn con còn nhỏ. Nhưng khi tìm hiểu về các loại sữa cho trẻ sau 1 tuổi, chị Hà như lạc vào ma trận.
“Trên thị trường có quá nhiều loại sữa, nào là sữa bột, sữa bột pha sẵn, sữa tươi có đường, sữa tươi không đường, sữa tươi ít đường, sữa trái cây, sữa dinh dưỡng trái cây… Tôi không biết nên chọn loại nào mới tốt cho con” – chị Hà nói.
Nhà có 2 con nhỏ (1 bé 2 tuổi và 1 bé 4 tuổi), trong tủ nhà chị Minh Hằng (32 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cũng luôn có sữa uống liền cho con. Chị Hằng cho biết, lúc đầu chị thường mua sữa tươi ít đường cho con uống và mang đi lớp. Nhưng sau đó các con tỏ ra chán sữa ít đường nên chị mua thêm sữa có vị trái cây để con uống đan xen, thay đổi khẩu vị.
Chia sẻ về việc bổ sung sữa đúng cách cho con, PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, ngoài sữa mẹ hoặc khi không có sữa mẹ, hoặc trẻ lớn hơn 1 tuổi thì cha mẹ có thể cho trẻ uống thêm sữa trong chế độ ăn hàng ngày để bổ sung vi chất dinh dưỡng và canxi.
“Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sữa dạng lỏng gồm sữa công thức và sữa tươi. Ngoài ra còn có các chế phầm từ sữa như sữa chua, phô mai… để đa dạng nguồn lựa chọn cho trẻ. Sữa cũng là một loại thức ăn nên cha mẹ cần bổ sung đa dạng cho trẻ, có thể cho con dùng sữa công thức, sữa tươi, sữa chua, phô mai…
Tuy nhiên, khi bổ sung sữa cho con, cha mẹ cần quan tâm đến lượng sữa trẻ uống. Với trẻ từ 1 tuổi trở lên, cha mẹ chỉ nên cho con uống khoảng 400 – 600ml sữa/ngày, còn để trẻ ăn các thực phẩm khác. Không để trẻ uống sữa vô tội vạ, cũng không nên để trẻ uống quá ít sữa” – Bác sĩ Hưng khuyên.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đã có khuyến nghị về sữa và các sản phẩm của sữa theo các lứa tuổi từ 3 tuổi trở lên, trong đó có đưa ra khuyến cáo tiêu thụ nhiều dạng chế phẩm của sữa bao gồm sữa dạng lỏng, sữa chua và phô mai nhằm tận dụng tối đa giá trị dinh dưỡng từ sữa như sau:
- Trẻ 3 - 5 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 15g phô mai (1 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).
- Trẻ 6 - 7 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4,5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 15g phô mai (1 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 250ml sữa dạng lỏng (2,5 ly sữa nhỏ).
- Trẻ 8 - 9 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 30g phô mai (2 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).
Nguyên tắc chung lựa chọn sữa và chế phẩm sữa
Để cha mẹ chọn được sữa phù hợp cho con, Viện Dinh dưỡng Quốc đã đưa ra những khuyến cáo về cách chọn sữa và các chế phẩm từ sữa cho trẻ em như sau:
- Xem kỹ nhãn mác về hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng chất đạm, canxi và chất béo, lượng đường bổ sung… để lựa chọn được sản phẩm phù hợp.
- Chọn sữa và chế phẩm sữa phù hợp với lứa tuổi, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe.
- Nên chọn sữa và sữa chua ít đường hoặc không đường.
- Chọn các sản phẩm đã được cấp phép của các cơ quan quản lý có thẩm quyền.
- Không nên ăn sữa chua vào lúc đói vì dễ bị cồn ruột và các vi khuẩn có ích trong sữa chua dễ bị chết bởi độ acid cao trong dạ dày làm giảm tác dụng của các vi khuẩn có lợi.
- Sữa chua và sữa thanh trùng cần được bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.
- Với trẻ nhỏ: Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn từ sơ sinh cho đến khi tròn 6 tháng tuổi, sau đó ăn bổ sung hợp lý kết hợp với bú mẹ đến 2 tuổi hoặc lâu hơn.
- Đối với trẻ trên 2 tuổi: Lựa chọn sữa và chế phẩm sữa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
- Nếu trẻ có nguy cơ thừa cân, béo phì nên chọn sữa và chế phẩm sữa có hàm lượng chất béo thấp hoặc đã được tách béo
- Trẻ em trên 6 tháng tuổi có thể sử dụng sữa chua. Khi bắt đầu cho trẻ ăn nên tập cho trẻ ăn từ ít đến nhiều. Sữa chua rất tốt cho trẻ bị tiêu chảy kéo dài hoặc táo bón.
- Trẻ em trên 6 tháng có thể sử dụng phô mai trực tiếp hoặc cho vào bột, cháo. Trẻ lớn hơn 2 tuổi có thể ăn trực tiếp, ăn với bánh mì hoặc chế biến các món ăn sau: Bánh sữa phô mai, súp nấm phô mai, đậu phụ nhồi thịt phô mai…