Liên quan đến vụ bé trai bị lọt hố bê tông ở Đồng Tháp, mới đây lực lượng chức năng đã tiết lộ thời điểm chính xác đem được thi thể nạn nhân ra khỏi hố sâu.
- Diễn biến MỚI vụ bé trai 10 tuổi bị lọt hố bê tông ở Đồng Tháp: 'Tiến hành đào lấy đất trong khung vây'
- Trưa ngày thứ 9 vụ bé trai 10 tuổi bị lọt hố bê tông ở Đồng Tháp: Vẫn chưa thể xác định được chính xác thời điểm nhổ trụ bê tông lên khỏi mặt đất
Thông tin từ báo Quân Đội Nhân Dân cho biết vào trưa ngày 8/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, sau quá trình trao đổi, tính toán những rủi ro, tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất phương án nhổ cọc qua 11 bước do hai đơn vị thi công cầu đường uy tín của Việt Nam tiến hành. Tuy nhiên quá trình thực hiện kéo dài 6-7 ngày.
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, hiện lực lượng cứu hộ đã đóng xong bộ khung hình vuông bằng cọc ván thép với kích thước cạnh 4,8 m, sâu 18 m, bao bọc quanh cọc bê tông. Bộ khung này giúp bảo vệ cọc, không để đất tràn vào. Cứu hộ tiếp tục dùng gàu chuyên dụng múc đất trong khung ra, mỗi gàu múc được 0,3m3 đất. Sau công đoạn làm sạch đất, lực lượng chức năng sẽ đóng hai ống vách dài 1-2m quanh cọc bê tông, trong đó vách 1 mét sẽ trực tiếp bảo vệ cọc. Khoan guồng xoắn được dùng lấy tiếp đất giữa hai ống vách đến khi tiếp cận đáy cọc sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhấc trụ bê tông lên. “Hơn 24 giờ nữa, cứu hộ mới làm sạch đất khu vực cọc bê tông - nơi bé trai 10 tuổi mắc kẹt, rồi bước sang phần việc kéo trụ lên”, ông Bửu thông tin.
Lý giải nguyên nhân quá trình cứu hộ kéo dài, theo lực lượng cứu hộ cho biết, tầng đất sâu dưới 10m được đánh giá là đất sét pha cao lanh rất cứng, kết dính rất chặt. Đặc biệt khi gặp nước, đất sẽ giãn nở và càng thít chặt vào cọc bê tông, nên phương án cứu hộ phải giải quyết được khó khăn này. Hiện chưa có thiết bị chuyên dụng rút cọc bê tông đã cắm sâu dưới lòng đất. Việc rút nếu bắt buộc thực hiện cần lực gấp 4-5 so với khi đóng. Ví dụ cọc khi đóng xuống dùng lực 50 tấn thì khi nhổ lên phải sử dụng thiết bị có lực 160-200 tấn. Để có thể kéo cọc lên cần thêm một cẩu 80 tấn hoặc ít nhất 50 tấn bổ sung vào công trường bởi hiện tại mới có hai cẩu 50 tấn và 35 tấn.
Trước đó theo thông tin từ Zing News, một cẩu trọng tải khoảng 120 tấn được đề nghị đưa vào hiện trường, song không thể thực hiện bởi lòng sông nhỏ tàu không vào được. Tuy nhiên, theo đề nghị của lực lượng cứu hộ, hiện cẩu 80 tấn đang được đưa đến hiện trường, đồng thời bổ sung thêm nhân lực. Hoạt động cứu hộ được đề nghị làm khẩn trương, nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ.
Đến tối ngày 8/1, lực lượng cứu hộ tỉnh Đồng Tháp cũng đã bổ sung thêm các thiết bị phục vụ công việc như gầu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6-1 m, ống vách đường kính 1 m và 2 m…
Hiện đội cứu hộ vẫn đang trong quá trình hoàn tất từng bước một cách kỹ lưỡng nhất có thể để có thể sớm nhất mang thi thể bé Hạo Nam còn nguyên vẹn trở về với gia đình.