Liên quan đến vụ bé trai 10 tuổi lọt hố bê tông ở Đồng Tháp, các thiết bị cần thiết được yêu cầu bổ sung trước đó đang dần được mang đến hiện trường để đưa nạn nhân ra ngoài.
- Trưa ngày thứ 9 vụ bé trai 10 tuổi bị lọt hố bê tông ở Đồng Tháp: Vẫn chưa thể xác định được chính xác thời điểm nhổ trụ bê tông lên khỏi mặt đất
- Ngày thứ 9 vụ bé trai 10 tuổi bị lọt hố bê tông ở Đồng Tháp, người mẹ khóc nấc: 'Tôi vẫn đợi con về nhà. Nó không ở với tôi thì làm con người khác'
Theo thông tin từ Zing News ghi nhận đến chiều 8/1, lực lượng cứu hộ cứu nạn tỉnh Đồng Tháp vẫn khẩn trương thực hiện kéo ống cọc bê tông có bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) lên. Các thiết bị vẫn được vận chuyển và bổ sung liên tục về hiện trường.
Căn cứ tình hình thực tế tại công trình, tổ điều hành cứu nạn cứu hộ cầu Rọc Sen đã thay cọc ván thép 12 m cho cọc ván thép 18 m. Hiện đơn vị đã đóng xong khung cọc ván thép 12 m xuống cao độ như dự kiến, đỉnh cọc thấp hơn mặt đất tự nhiên khoảng 2 m và tiến hành đào lấy đất trong khung vây.
Tính đến 16h cùng ngày, các công nhân đào lấy đất trong khung vây được khoảng 4 m, gia cố được 2/5 khung chống để gia cố khung vây, đồng thời hàn đặt được 1/5 khung chống.
Bên cạnh đó, lực lượng cứu hộ tỉnh Đồng Tháp cũng đang bổ sung thêm các thiết bị phục vụ công việc như gầu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6-1 m, ống vách đường kính 1 m và 2 m…
Trong cuộc họp ngày 7/1, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, cho biết địa phương đã thống nhất phương án nhổ ống cọc bê tông qua 11 bước. Các bước sẽ đảm bảo tính khả thi khi đáp ứng đủ thiết bị tại chỗ, thời gian cũng như độ an toàn cho đơn vị thi công.
Công cuộc cứu hộ để kéo ống cọc bê tông lên đã kéo dài hơn một tuần, tính từ trưa 31/12, thời điểm bé Hạo Nam rơi xuống. Sau khi tham vấn ý kiến chuyên gia, phương án cứu hộ mới nhất được thông qua là sử dụng kết hợp giữa cọc ván thép và ống vách thép trong quá trình làm sạch đất xung quanh ống cọc bê tông.
Theo đó, cọc ván thép sẽ được đóng xung quanh ống cọc bê tông tạo thành một bộ khung 4,8 m x 4,8 m, đất xung quanh ống cọc được lấy lên bằng gàu xúc (tạm gọi là tầng 1). Từ đáy tầng 1, dùng ống vách thép đường kính 1,6 m đóng xuống đến khi đạt độ sâu của đáy ống cọc bê tông (tạm gọi là tầng 2) và sau đó, đất xung quanh ống cọc được lấy lên bằng khoan guồng xoắn. Sau khi tiếp cận đáy ống cọc sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhấc ống cọc bê tông lên
Trước đó như báo Tiền Phong đã đưa tin, trưa 31/12, em Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng ba người bạn vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, để nhặt phế liệu. Lúc đi qua công trình đang thi công, Nam lọt xuống cọc bê tông rỗng bên trong, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m.
Nhận tin báo, lực lượng chức năng của địa phương đã có mặt cùng phối hợp cứu hộ.