Bộ Y tế đang khẩn trương hình thành 3 - 6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm

Tin y tế 27/05/2023 08:59

Để đảm bảo nguồn cung thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung phục vụ nhu cầu điều trị cho người bệnh, Bộ Y tế đang nỗ lực khẩn trương hình thành 3 - 6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm trên toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng.

 

Theo thông tin báo Sức khỏe và Đời sống, ông Lê Việt Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai thành việc hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung với dự kiến hình thành 3-6 trung tâm trên cả nước.

Số lượng danh mục các thuốc dữ trữ khoảng từ 15-20 loại và botulinum cũng là 1 trong các loại thuốc nằm trong danh mục các thuốc này.

Phó Cục trưởng Lê Việt Dũng cho biết thêm, Cục Quản lý Dược cũng đang họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của WHO, và làm sao để có sự liên thông giữa việc tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở Việt Nam cũng như các nước xung quanh khu vực, cũng như các kho của WHO.

Chuyên gia cũng cho hay, hiện nay, căn cứ pháp lý về thuốc hiếm cơ bản đã đầy đủ, do đó Cục Quản lý dược đã có những văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cần chủ động trong công tác xây dựng nhu cầu, dự báo tình hình dịch bệnh, cũng như dự trù số lượng cần thiết và mua sắm thuốc đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, đặc biệt với các thuốc hiếm.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin liên quan đến việc điều trị các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum, bước đầu nghi ngờ do các bệnh nhân ăn chả lụa dẫn đến ngộ độc botulinum, vào ngày 25/5, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết kết quả xét nghiệm mẫu chả lụa nghi gây ngộ độc cho sáu người là âm tính.

Bộ Y tế đang khẩn trương hình thành 3 - 6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm - Ảnh 1
Bác sĩ đang cứu chữa cho bệnh nhân bị ngộ độc khi ăn bánh mì kẹp chả lụa - Ảnh: BVCC

ThS-BS CKII Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa BV Nguyễn Tri Phương, giải thích: Nguyên nhân ngộ độc botulinum là do một loại vi khuẩn clostridium botulinum gây ra. Loại vi khuẩn này sống trong yếm khí, có nghĩa là môi trường không có không khí, nồng độ ôxy rất thấp.

Ở môi trường sống của chúng ta, vi khuẩn này không sống được vì có lượng ôxy cao. Vì vậy, chúng tạo ra các bào tử là những vỏ bọc giúp vi khuẩn ngủ đông. Đến khi gặp môi trường kín, không có không khí thì chúng sẽ tái hoạt, phá vỏ bao bào tử sản sinh ra chất độc botulinum.

Vi khuẩn clostridium botulinum có ở khắp nơi, nhiều nhất là ở đất cát. Độc tố botulinum là một chất độc cực mạnh, có thể gây tử vong với lượng nhỏ.

Theo ThS-BS Trần Ngọc Lưu Phương, điểm đặc biệt của vi khuẩn botulinum chính là khi chúng nhiễm vào thực phẩm nhưng không làm ôi thiu nên người ăn khó nhận biết bằng cảm quan dẫn đến dễ bị ngộ độc. Ngộ độc nặng có thể gây chết người ngay lập tức.

Tuy nhiên, nếu thấy các loại thực phẩm đồ hộp bị phồng lên thì khả năng cao là có chất botulinum. Bởi khi vi khuẩn kỵ khí này phát triển mạnh, chúng sản sinh ra nhiều khí gây phồng vỏ hộp.

Bộ Y tế đang khẩn trương hình thành 3 - 6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm - Ảnh 2
Lựa chọn và bảo quản thực phẩm đóng hộp đúng cách để ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm - Ảnh minh họa: Internet

ThS-BS Phương cũng chia sẻ thêm nên thực hiện ăn chín, uống sôi. Thức ăn nên được nấu ở nhiệt độ 100 độ C trong vòng 10-15 phút.

Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng muối, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên sử dụng. Nên sử dụng độ chua hay độ mặn trên 5% (5% g muối/100 g thức ăn).

Nữ giáo viên sốc khi phát hiện mắc ung thư phổi, chia sẻ 3 dấu hiệu đã trải qua

Nữ giáo viên không hút thuốc và có lối sống lành mạnh nên đã rất bất ngờ khi được chẩn đoán ung thư phổi.