Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành nhưng nhiều người vẫn rất chủ quan và thiếu hiểu biết về sốt xuất huyết.
- Hà Nội tăng hơn 1.000 người mắc sốt xuất huyết mỗi tuần
- 12 người tại Hà Nội tử vong do sốt xuất huyết
Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 281.189 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 110 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (56.240/21) số mắc tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 89 trường hợp.
4 sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue trở nặng
BS Nguyễn Thị Hiệp - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng chỉ ra 3 sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue trở nặng thậm chí tử vong.
Thứ nhất: Chủ quan không đi khám bệnh
Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng.
Thường trong 3 ngày đầu của bệnh sốt xuất huyết, người bệnh sẽ sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt, đau cơ, đau khớp. Biểu hiện ban đầu của bệnh sốt xuất huyết khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt siêu vi, viêm họng, tay chân miệng, cúm... đó là sai lầm khiến người bệnh thường đến bệnh viện muộn.
Nhưng thời gian này chưa thực sự nguy hiểm bằng khoảng thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ở giai đoạn này, người bệnh hết sốt hoặc giảm sốt, mệt mỏi hơn, đau bụng, nôn, xuất hiện những biến chứng nguy hiểm, tràn dịch màng phổi, xuất huyết kín đáo ở hệ tiêu hóa, phổi, não,…
Đây là giai đoạn người bệnh thường chủ quan khi thấy hết sốt không đi khám bệnh, dẫn đến tình trạng nhập viện trễ, bệnh trở nên nặng và trầm trọng hơn. Trường hợp nặng không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị sốc, xuất huyết nặng, suy tạng, viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim và có thể tử vong.
4 sai lầm khi mắc sốt xuất huyết khiến bệnh nặng.
Thứ hai: Hết sốt là khỏi bệnh
Sự thực là sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam…
Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.
Thứ ba: Chỉ mắc bệnh 1 lần trong đời
Nhiều người truyền tai nhau rằng sốt xuất huyết chỉ mắc 1 lần trong đời. Tuy nhiên, các bác sĩ nhấn mạnh, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4.
Người nhiễm một loại vi rút có khả năng tạo nên miễn dịch bền vững nhưng chỉ có khả năng chống lại chính loại huyết thanh vi rút đó mà thôi. Do đó, một người mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể mắc thêm đến 3 lần nữa và thông thường lần mắc sau có thể nặng hơn lần trước.
Mua nhầm thuốc
Một trong những sai lầm nguy hiểm nữa là trong những ngày đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết, người bệnh lầm tưởng mình bị sốt vi rút thông thường, cảm cúm nên tự ý mua thuốc hạ sốt, giảm đau về dùng, đặc biệt là hai loại aspirin và ibuprofen.
Hai loại thuốc này đặc biệt nguy hiểm đối với người mắc bệnh sốt xuất huyết vì chúng có tác dụng ngăn chặn sự tập kết của tiểu cầu (tiểu cầu là tế bào có trong máu và có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu) gây ra tình trạng rối loạn đông máu ở người bệnh khiến cơ thể dễ xuất huyết, chảy máu, làm tăng nguy cơ xuất huyết nặng nề.
Aspirin còn có tác dụng phụ loét dạ dày, tá tràng có thể gây xuất huyết dạ dày. Người bệnh có thể nôn ra máu gây nguy hiểm và khó khăn cho việc điều trị.
Khi mắc sốt xuất huyết phải làm gì?
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết đều có triệu chứng nhẹ; tuy nhiên một số trường hợp dễ diễn biến nặng cần được theo dõi, xử trí kịp thời. Người mắc sốt xuất huyết trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà.
Theo đó, khi chăm sóc người mắc sốt xuất huyết tại nhà, người dân cần chú ý các triệu chứng của người bệnh như:
Người bệnh cần được thường xuyên cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác.
Nếu người bệnh đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau; lưu ý, tránh dùng nhóm thuốc như: Aspirin, ibuprofen vì các thuốc này có thể gây chảy máu.
Người bệnh không dùng thuốc kháng sinh, không tự ý truyền dịch như: Đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
Bệnh nhân cần được uống nhiều nước như: Nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi.
Bác sĩ cũng lưu ý, sau ngày thứ 5, bệnh nhân có thể sẽ hết sốt. Tuy nhiên nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng như: Tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. Đây là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện để theo dõi, điều trị kịp thời.
Số mắc và tử vong do sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao tại nhiều địa phương. Các chuyên gia lo ngại, trong tháng 11 và 12 tới có thể sẽ là đỉnh dịch của sốt xuất huyết năm nay. Người dân cần chủ động các biện pháp phòng, chống dịch như diệt bọ gậy, lăng quăng, ngủ mắc màn… không để muỗi đốt.