Người mắc sốt xuất huyết cần phải được chăm sóc và theo dõi sát sao để sớm phát hiện những triệu chứng nặng, nguy hiểm. Bị sốt xuất huyết dễ chuyển biến nặng khi nào?
- Hà Nội tăng hơn 1.000 người mắc sốt xuất huyết mỗi tuần
- Rộ tin Bắc Kạn có 3 người tử vong do Covid-19
3 giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết
- Giai đoạn sốt: Thường kéo dài từ ngày 1 đến ngày 4 của bệnh trong đó sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt trở lại. Ngoài ra người bệnh có thể có các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn… Đa số trường hợp bệnh sẽ tự thuyên giảm sau 5 ngày và bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau 1 tuần. Tuy nhiên có một tỷ lệ bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nguy kịch.
- Giai đoạn nguy kịch: Gia đoạn này thường từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh, tính từ khi bắt đầu sốt. Trong giai đoạn này người bệnh hạ sốt đột ngột, đây là dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn là đã hết bệnh. Cùng với đó người bệnh còn có biểu hiện tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ, li bì; thậm chí lơ mơ, rối loạn tri giác; cảm giác đau bụng nhiều, liên tục, nhất là tại vùng dưới sườn bên phải, nôn ói, tiểu ít… Ở giai đoạn này người bệnh xuất hiện các biến chứng chảy máu ở nhiều nơi (xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, ói ra máu, đi tiêu ra máu, phụ nữ có thể bị rong kinh rong huyết).
- Giai đoạn hồi phục hồi: Thường sau ngày 7 của bệnh. Người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.
Người bị sốt xuất huyết dễ chuyển biến nặng trong giai đoạn nào?
Theo các chuyên gia, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Nhưng, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà.
Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi – giai đoạn nguy kịch) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Người bị sốt xuất huyết có thể sẽ không còn sốt cao như 3 ngày đầu, nhiều người bệnh hay cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng.
Biến chứng thứ nhất là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu. Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này mà nó chỉ thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định có phải truyền dịch cho bệnh nhân hay không.
Với biến chứng này, người bệnh có thể có những dấu hiệu cảnh báo như: Mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn. Ở trẻ nhỏ có thể chỉ thấy trẻ li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Nếu có những biểu hiện như này, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng.
Biến chứng thứ 2 mà người bệnh sốt xuất huyết có thể gặp phải là giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể có biểu hiện chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da… Khi có những dấu hiệu này, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế làm các xét nghiệm đánh giá mức độ giảm tiểu cầu như thế nào để thầy thuốc cân nhắc truyền tiểu cầu nếu cần và có hướng điều trị thích hợp.
Để cảnh giác với các biến chứng nặng, người bệnh sốt xuất huyết điều trị tại nhà cần chú ý việc đi tiểu, nếu thấy giảm đi tiểu hơn, mệt, khác nước hơn thì người bệnh cần đến cơ sở y tế để kiểm tra công thức máu. Đặc biệt, việc bù dịch bằng đường uống Oresol với người sốt xuất huyết rất quan trọng, có thể tránh được tình trạng mất dịch, cô đặc máu. Trường hợp bệnh nhân bị nôn liên tục không uống bù dịch được thì cần đến cơ sở y tế để bù dịch bằng đường tĩnh mạch.