Mắc bệnh cúm mùa, khi nào cần đến bệnh viện, bạn đã biết chưa?

Sức khỏe 07/02/2025 11:55

Cúm mùa là loại bệnh lý truyền nhiễm qua đường hô hấp từ các chủng virus khác nhau. Nếu không may mắc phải bệnh cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Chính vì thế khi mắc bệnh cúm khi nào cần nhập viện, bạn đã biết chưa?

Theo báo Lao Động, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca cúm gia tăng đột biến. Số ca nhập viện tăng từ 200 ca/tuần vào giữa tháng 12.2024 lên hơn 1.200 ca trong dịp Tết - gấp 6 lần. Hiện có 3 ca nặng phải thở máy.

Theo Bộ Y tế, năm 2024 ghi nhận 289.876 ca cúm mùa, 8 ca tử vong. Số mắc giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), nhưng số ca tử vong tăng 5 trường hợp. Các chuyên gia cảnh báo, người có bệnh nền, cao tuổi, suy giảm miễn dịch cần đặc biệt cẩn trọng.

Mắc bệnh cúm mùa, khi nào cần đến bệnh viện, bạn đã biết chưa? - Ảnh 1
Bệnh nhân mắc cúm nặng được đặt ECMO tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Báo Lao Động. 

 

Hệ thống giám sát của Bộ Y tế ghi nhận cúm mùa bùng phát mạnh tại Nhật Bản. Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản cho biết từ 2.9.2024 - 26.1.2025, nước này có khoảng 9,5 triệu ca cúm, riêng tuần cuối năm 2024 hơn 317.000 ca. Tokyo, Hokkaido, Osaka, Fukuoka bị ảnh hưởng nặng nhất. Chủ yếu do cúm A gây ra nhưng nguy cơ bùng phát cúm B vẫn tồn tại.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nhiều quốc gia Bắc bán cầu đang gia tăng ca bệnh hô hấp cấp do cúm mùa, RSV, hMPV, mycoplasma pneumoniae vào cuối năm.

Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh, cúm là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus, có triệu chứng phổ biến như đau đầu, sốt, ho, đau nhức cơ khớp, mệt mỏi. Cúm thường nặng hơn cảm lạnh thông thường, có thể gây viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng toàn thân, đe dọa tính mạng.

Theo ZNews, bệnh cúm là một bệnh phổ biến trên toàn cầu, thường bùng phát thành dịch vào mùa đông hoặc khi thời tiết chuyển mùa. Dù phần lớn các trường hợp cúm là lành tính, bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở những nhóm có nguy cơ cao.

Nguyên nhân và đường lây truyền cúm

Cúm mùa do virus cúm thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, với 3 loại chính:

- Cúm A: Chủ yếu gây dịch bệnh ở người và động vật, thường nguy hiểm hơn (ví dụ, H1N1, H3N2).

- Cúm B: Chỉ lây lan ở người và gây bệnh nhẹ hơn.

- Cúm C: Hiếm gặp và thường không gây thành dịch.

Đường lây truyền cúm

Mắc bệnh cúm mùa, khi nào cần đến bệnh viện, bạn đã biết chưa? - Ảnh 2
Các không gian kín, ít thông thoáng là điều kiện lý tưởng cho virus lây lan. Ảnh: ZNews.

Qua giọt bắn: Virus lây lan qua các giọt bắn nhỏ từ đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện.

Tiếp xúc trực tiếp: Chạm vào bề mặt hoặc đồ vật nhiễm virus, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Không khí đông đúc: Các không gian kín, ít thông thoáng là điều kiện lý tưởng cho virus lây lan.

Triệu chứng của cúm mùa

Triệu chứng cúm mùa thường xuất hiện sau thời gian ủ bệnh từ 1-4 ngày, bao gồm:

Toàn thân: Sốt cao (thường trên 38°C), ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ và khớp.

Đường hô hấp: Ho khan, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.

Ngoài ra, cúm có các triệu chứng khác là nhức đầu, đau mắt, đôi khi buồn nôn hoặc tiêu chảy (đặc biệt ở trẻ em).

Triệu chứng cúm có thể kéo dài từ 3-7 ngày. Tuy nhiên ho và mệt mỏi có thể kéo dài vài tuần sau khi bệnh khỏi.

Biến chứng của cúm

Cúm mùa có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở những nhóm có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người có bệnh mạn tính.

Các biến chứng phổ biến: Viêm phổi (nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do cúm). Viêm xoang, viêm tai giữa. Làm nặng thêm các bệnh lý mạn tính như hen, COPD, hoặc bệnh tim mạch. Hiếm gặp hơn: Viêm não, viêm cơ tim.

Cúm mùa khi nào cần đến bác sĩ?

Khi mắc cúm có các biểu hiện cần nhập viện như: Sốt cao kéo dài hơn 3 ngày, khó thở, đau ngực, môi tím tái. Triệu chứng nặng hơn ở các nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người ăn kiêng, trẻ em, phụ nữ mang thai…

Mắc bệnh cúm mùa, khi nào cần đến bệnh viện, bạn đã biết chưa? - Ảnh 3
Việc phòng ngừa và điều trị bệnh cúm mùa kịp thời giảm nguy cơ tử vong. Ảnh: ZNews.

Cúm mùa không chỉ là vấn đề sức khỏe cá nhân mà còn gây áp lực lớn lên hệ thống y tế, đặc biệt khi bùng phát dịch. Việc phòng ngừa và điều trị kịp thời không chỉ giảm nguy cơ tử vong mà còn hạn chế tổn thất kinh tế do bệnh tật.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ dịch bệnh, đặc biệt các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, viêm phổi nặng, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Kiểm dịch y tế biên giới, giám sát tại cửa khẩu, cộng đồng và cơ sở y tế được tăng cường nhằm phát hiện, xử lý sớm, hạn chế ca bệnh nặng, tử vong.

Việc phòng ngừa bằng tiêm vaccine cúm, giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang nơi đông người, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe trong mùa cúm.

Vì sao mắc cúm mùa có thể tử vong?

Thông tin nữ diễn viên Từ Hy Viên qua đời ở tuổi 49 tại Nhật Bản vì bệnh cúm và biến chứng viêm phổi khiến nhiều người bàng hoàng. Đáng nói, căn bệnh cúm mùa, viêm phổi khiến Từ Hy Viên tử vong là căn bệnh phổ biến tại Việt Nam.

TIN MỚI NHẤT