Hai mẹ con ở Đồng Nai chế biến món ăn nhộng ve sầu có nấm, sau đó cả hai bị ngộ độc thực phẩm phải đưa đi cấp cứu gấp.
- Sau nhiều trường hợp nhiễm sán, nghiên cứu biến tiết lợn thành nước sạch cho người dân sử dụng
- Tin vui cho bệnh nhân ung thư máu, phát hiện đột phá mới trong nghiên cứu điều trị bệnh
Dẫn nguồn tin từ VietNamNet, vào ngày 8/6, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhi nghi ngộ độc sau khi ăn nấm mọc trên xác nhộng ve sầu.
Trước đó, tối 6/6, chị N.T.N.N (ngụ xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cùng con trai P.H.T (12 tuổi) bắt nhộng ve sầu có nấm về để chiên ăn.
Khoảng 1 giờ sau khi ăn, cả hai xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, kèm đau bụng quặn, nôn ói nhiều lần, phân lỏng. Người nhà đã nhanh chóng đưa các bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cấp cứu.
Sau đó, cả hai bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên ngay trong đêm. Bệnh nhân N. vào Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, còn bệnh nhi T. đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để tiếp tục điều trị.
Theo nguồn tin ghi nhận từ Vietnam Plus, sau khi sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, bà N. được chuyển viện lên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc nấm mọc trên xác nhộng ve sầu.
Các bác sỹ đã súc rửa dạ dày, truyền dịch cho bệnh nhân. Hiện, sức khỏe bà N. đã ổn định. Cháu T. có thêm triệu chứng rung giật nhãn cầu, tiếp xúc chậm, được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Các bác sỹ đã truyền dịch để tăng cường thải chất độc trong cơ thể bệnh nhân. Do ngộ độc nấm không có thuốc giải, các bác sỹ tập trung điều trị triệu chứng.
Bác sỹ Trần Lê Duy Cường, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết hiện em T. đã mở mắt, tiếp xúc chậm, vẫn còn lơ mơ, rung giật cơ và nhãn cầu.
Các bác sỹ khuyến cáo hiện đang bước vào mùa mưa nên sẽ xuất hiện nhiều loại nấm. Người dân tuyệt đối không nên ăn các loại nấm không rõ nguồn gốc vì có nhiều loại nấm độc khi ăn vào sẽ dẫn đến tổn thương đa cơ quan, suy gan, suy thận, rối loạn nhịp tim, có nguy cơ tử vong