Vi khuẩn trong pate Minh Chay khiến 9 người ngộ độc là loại gì mà nguy hiểm đến vậy?

Sống khỏe 31/08/2020 12:24

Vi khuẩn Clostridium botulinum type B được xác định là nguyên nhân gây ngộ độc. Đây là kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Chiều 29/8, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế - đưa ra cảnh báo khẩn cấp về một sản phẩm pate chay sau khi có 9 ca bệnh nhập viện sau khi sử dụng sản phẩm này. 9 ca bệnh nhập viện gồm 2 ca tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), 5 ca tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) 5 ca và 2 ca tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Các bệnh nhân đều có triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở…

Theo Cục An toàn thực phẩm, qua điều tra cho thấy các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (địa chỉ tại Tổ 2, TT.Đông Anh, H.Đông Anh, Hà Nội) sản xuất và kinh doanh trực tiếp qua mạng (trang Website của công ty: pate.1001monchay.com; minhchay.com).

Theo kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm "Pate Minh Chay" của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum type B.

Vi khuẩn Clostridium botulinum là gì?

Vi khuẩn trong pate Minh Chay khiến 9 người ngộ độc là loại gì mà nguy hiểm đến vậy? - Ảnh 1

Theo trang web của Bệnh viện Nhi đồng 2, Clostridium botulinum là trực khuẩn gram +, kị khí tuyệt đối tức là phát triển trong môi trường không có oxy. Vi khuẩn tồn tại trong đất, nước phân động vật, ruột cá, ruột động vật có vú, từ đó vi khuẩn xâm nhập vào thực phẩm, sinh độc tố gây ngộ độc khi vào cơ thể.

Clostridium botulinum là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử hình oval và thường gặp trong đất, có nha bào. Clostridium botulinum là loại vi khuẩn tiết ra độc tố rất mạnh, gây nên bệnh cấp tính rất nặng, làm phá hủy thần kinh trung ương và gây tử vong.

Dưới ảnh hưởng của nhiệt độ cao và các yếu tố môi trường bất lợi, vi khuẩn chuyển thành các bào tử rất bền vững. Vi khuẩn phát triển thuận lợi ở 3-43°C. Ở nhiệt độ thích hợp, không có oxy, ẩm ướt và pH acid yếu ( pH> 4,6), bào tử biến đổi lại thành vi khuẩn và phát triển, tiết ra độc tố botulinum.

Clostridium botulinum có 7 chủng Clostridium botulinum. Vi khuẩn gây bệnh ở người thường là Clostridium botulinum týp A, B, E và F. Bản thân vi khuẩn và bào tử không gây ra bệnh mà bệnh là do độc tố của nó sinh ra, gây liệt thần kinh.

Nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum

Vi khuẩn trong pate Minh Chay khiến 9 người ngộ độc là loại gì mà nguy hiểm đến vậy? - Ảnh 2

- Người bệnh có thể nhiễm khuẩn từ thức ăn do ăn phải thực phẩm có nhiễm độc tố Clostridium botulinum, thường là ở rau củ, nước sốt, thịt, hải sản đóng gói thủ công.

- Mật ong chính là nguồn chứa bào tử Clostridium botulinum thường gặp. Khi trẻ nhỏ ăn phải bào tử Clostridium botulinum, bào tử sẽ nảy nở và sinh độc tố trong ruột. Vì vậy, trẻ dưới 1 tuổi không nên sử dụng mật ong tươi. Người lớn cũng có cơ chế nhiễm khuẩn tương tự ở trẻ em.

- Ngoài ra, vi khuẩn có thể lây nhiễm từ vết thương, hoặc qua đường hô hấp nhưng hiếm gặp, thường phổ biến ở nhân viên phòng thí nghiệm.

Độc tố của Clostridium botulinum gây nhiễm độc thần kinh, gây liệt thần kinh cơ. Triệu chứng của nhiễm loại vi khuẩn này qua đường tiêu hóa bắt đầu biểu hiện trong vòng 6-36 giờ, nhưng cũng có trường hợp ủ bệnh trong sau 6-8 ngày. Thời gian ủ bệnh rút ngắn hoặc kéo dài tùy theo lượng độc tố cơ thể bị nhiễm.

Triệu chứng của người nhiễm độc tố do vi khuẩn Clostridium botulinum bao gồm nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nuốt khó, khô miệng, buồn nôn, yếu cơ xuống dần ở cả cơ thể... Trường hợp nặng có thể gây liệt cơ hô hấp và gây tử vong.

Ở trẻ dưới 1 tuổi, độc tố có thể gặp là ngủ gà, táo bón, khó bú, khó nuốt, khóc yếu.

Nếu bị nhiễm vi khuẩn Clostridum botulinum qua vết thương, thời gian ủ bệnh lâu hơn vì cần đủ khoảng thời gian cho vi khuẩn tăng sinh và tiết ra đủ lượng số lượng độc tố, thông thường là khoảng 7-14 ngày sau nhiễm trùng.

Bệnh nhân có thể được chẩn đoán qua thử máu tìm độc tố, tìm bào tử và vi khuẩn qua phân, dịch ói, dịch dạ dày, mẫu thức ăn nghi ngờ nhiễm khuẩn...

Làm thế nào để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm?

Dựa vào điều kiện phát triển của vi khuẩn, những yếu tố ngăn chặn sự phát triển của Clostridum botulinum bao gồm: Nhiệt độ cao, pH<4.6, chất bảo quản thực phẩm (nitrites, sorbic acid, phenolic antioxidants, polyphosphates, ascorbates…), vi khuẩn có lợi (lactic acid bacteria), thực phẩm được làm khô, ướp muối và/hoặc đường.

Đa số trường hợp nhiễm từ thức ăn là do từ thực phẩm đóng gói không đúng quy cách tại nhà. Bào tử vi khuẩn có thể chịu nhiệt độ cao, nhưng độc tố của nó thì dễ bị hủy bởi nhiệt. Vì thế, người dân nên nấu lại thức ăn đóng gói thủ công ở 70 độ C trong 10-20 phút để có thể ngăn ngừa nhiễm độc hiệu quả. Thực phẩm đóng gói công nghiệp ít bị nhiễm Clostridum botulinum nhưng không nên sử dụng nếu bị phồng, rách hay hết hạn.

Vì thế điều kiện để ngăn chặn nguy cơ nhiễm vi khuẩn này là chế biến thực phẩm công nghiệp, với điều kiện vệ sinh tốt, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch và kiểm tra tuân theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chú ý khi bảo quản thức ăn tại nhà để tránh lây nhiễm vi khuẩn Clostridum botulinum

Vi khuẩn trong pate Minh Chay khiến 9 người ngộ độc là loại gì mà nguy hiểm đến vậy? - Ảnh 3

- Bảo quản thực phẩm chưa sử dụng trong tủ lạnh, dưới 5 độ C.

- Thịt, cá nên được hút chân không, bảo quản đông lạnh, chỉ rã đông ngay trước khi nấu.

- Thực phẩm đã rã đông nên dùng hết, không cấp đông trở lại.

- Thực phẩm đã nấu chín phải bảo quản ở nhiệt độ cao trên 57 độ C hoặc dưới 5 độc C

- Rửa tay, dụng cụ chế biến thức ăn đúng cách bằng xà phòng trước và sau khi dùng, sử dụng dụng cụ riêng để chế biến thức ăn chín và thực phẩm sống.

Chất độc botulinum là gì? Lý do pate Minh Chay bị cấm khi nghi ngờ có chất botulinum

Vi khuẩn clostridium botulinum và độc tố của nó botulinum chính là chất độc khủng khiếp nhất 1 thế giới, chỉ cần 1kg botulinum là đủ giết chết cả tỷ người.

TIN MỚI NHẤT