Mùa mưa bão, không khí ẩm ướt kèm theo sấm sét dễ gây ra các sự cố về điện, làm hư hại thiết bị điện tử trong gia đình.
- 5 việc nguy hiểm trong bếp dễ gây cháy nổ nhiều bà nội trợ vẫn làm hàng ngày
- Vật dụng trong bếp nhà nào cũng có ít nhất một cái, càng ngâm nước lâu càng chóng hỏng, nhanh mòn
Theo dự báo, trong những ngày tới, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới khu vực miền núi phía Bắc gây mưa rào và dông ở khu vực này. Đây là thời điểm các gia đình cần cảnh giác với nguy cơ cháy nổ do chập điện. Những ngày mưa bão thường xuất hiện hiện tượng sấm sét gây nguy hiểm.
Các tia sét có thể đánh vào nhà cửa, cây cối gây hư hại thiết bị điện tử trong nhà nếu không có cách bảo vệ hiệu quả. Do đó, người dùng cần trang bị kiến thức để bảo vệ những thiết bị điện trong gia đình.
Sét đánh nguy hiểm ra sao đối với thiết bị trong nhà?
Sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và mặt đất hay giữa các đám mây mang các điện tích khác dấu. Khi phóng điện trong khí quyển, tia sét có thể di chuyển với tốc độ 36.000km/h và có thể đạt tới nhiệt độ 30.000 độ C.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu tới 2 triệu cú sét, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhà cửa bị sét đánh khi không có cột thu lôi có thể gây ra hư hỏng mái nhà, thậm chí có thể gây cháy nhà.
Ngoài ra, sét có thể đánh gián tiếp vào các đường dây điện thoại, dây tải điện rồi theo đường dây truyền vào làm hư hỏng các thiết bị điện như bóng đèn, TV, tủ lạnh, điện thoại, gây cháy nổ hoặc làm người sử dụng bị giật.
Phần sét lan truyền còn ảnh hưởng trực tiếp đến máy tính và các thiết bị ngoại vi. Hiện tượng này có thể khiến máy tính của người dùng bị hỏng bo mạch chủ, các phụ kiện như chuột và bàn phím cũng sẽ hư hỏng và rất khó sửa chữa.
Đã có nhiều trường hợp bóng đèn, điện thoại, TV, tủ lạnh… bị cháy hoặc người đang sử dụng điện thoại bị giật mạnh do sét đánh gián tiếp.
Các thiết bị cần rút nguồn khi mưa bão đến
Việc rút nguồn các thiết bị là cách tốt nhất để bảo vệ chúng khỏi hư hỏng và phòng ngừa cháy nổ. Những thiết bị điện cần rút nguồn khi mưa bão gồm tivi, lò nướng, lò vi sóng, loa đài, đầu đĩa, máy giặt, máy sấy, máy rửa bát, bếp từ, ấm siêu tốc, máy tính và điện thoại đang sạc…Đây đều là những thiết bị rất dễ thu hút nguồn điện nên có nhiều khả năng bị hư hỏng, thậm chí gây cháy nổ trong lúc có sấm sét.
Nếu bản tin thời tiết cho biết mưa bão sẽ qua nhanh, các gia đình nên rút phích cắm của tủ lạnh tối đa 4 tiếng đồng hồ, đóng kín cửa để tránh mất nhiệt. Sau 4 tiếng, thức ăn bắt đầu bị hư hỏng; thực phẩm đông lạnh thì có thể để được lâu hơn.
Đới với các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời như các bảng hiệu, bảng quảng cáo…, nguồn điện cũng cần được ngắt khi trời mưa to, gió lớn.
Thông thường mưa dông hay đến bất chợt, khó lường trước. Do vậy, trong mùa mưa bão, các gia đình nên tắt hết các thiết bị điện để đảm bảo an toàn cho các thiết bị trước khi ra khỏi nhà.
Bảo vệ thiết bị điện tử mùa mưa bão
Sử dụng thiết bị thu sét
Trước hết để để phòng nguy cơ sét đánh gây hỏng các thiết bị điện tử là lắp đặt các thiết bị chống sét như cột thu lôi, dây thu sét hoặc lưới thu sét để giảm thiểu các tai nạn như hư hỏng thiết bị, cháy nhà, thậm chí là chết người.
Kiểm tra đường điện
Hầu hết các gia đình hiện nay đều sử dụng đường dây điện đi ngầm trong nhà. Khi mưa và ngập lâu ngày, tường nhà dễ bị ẩm ướt, nước ngấm ảnh hưởng đến đường dây điện, dẫn đến rò và chập điện. Những đầu nối điện cũng là mối nguy hiểm vì dễ bị dính nước và người dùng không thể kiểm soát được tình trạng ẩm ướt.
Để tránh tình trạng rò, chập điện khi tường nhà bị ẩm, ngập do mưa bão, các gia đình cần kiểm tra lại đường dây điện trong nhà nếu đã sử dụng lâu năm. Tốt nhất là nên lắp đặt cầu dao hoặc thiết bị ngắt mở điện riêng biệt cho mỗi tầng để dễ kiểm soát nguồn điện cũng như giúp ngôi nhà được an toàn hơn.
Khi thiết kế các đường dây điện đi ngầm, cần bảo đảm dây và các ổ cắm điện đều phải ở trên cao, không nên đặt ở vị trí thấp có thể bị ngập hoặc dễ bị ẩm khi mưa lớn.
Sau mưa, ngập, cần kiểm tra các đầu mối dây điện, ổ cắm xem tình trạng nước và hơi ẩm có ảnh hưởng đến các vị trí này hay không. Nếu có, phải sấy hoặc làm khô rồi mới đóng cầu dao để sử dụng điện.
Để thiết bị điện nơi cao, khô ráo
Mùa mưa bão hiện nay cũng rất dễ gây ra ngập lụt. Khi đó, các thiết bị điện sẽ hư hỏng, cháy nổ. Do đó, khi bắt đầu mùa mưa, người dùng nên lắp những thiết bị điện cao hơn mực nước thường ngập lụt, ẩm ướt, lắp thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp.
Các thiết bị như lò vi sóng, bếp điện… cần được đặt ở trên cao và khô thoáng. Nếu gặp phải tình trạng ẩm ướt, những vật dụng này sẽ bị ẩm mốc dẫn đến hỏng hóc.