"Khoa lấy ví dụ trong showbiz, vỗ mông thay cho lời chào. Tôi không biết việc Khoa thấy ở đâu vì giới nào, nghề nào cũng có người này người nọ, có điều Khoa nhận định thế là sỉ nhục những người nghiêm túc trong nghề"- MC Đan Lê cho biết.
- Chồng vỗ mông gái xinh để chào hỏi, vợ Phạm Anh Khoa vẫn nói 'Em tự hào về anh'
- Phạm Anh Khoa không còn là Đại sứ hình ảnh phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái
Trước đoạn video ghi lại cuộc trò chuyện giữa CSAGA với ca sĩ Phạm Anh Khoa sau khi nam ca sĩ này bị tố gạ tình, sàm sỡ nhiều vũ công, MC Đan Lê đã lên tiếng trên trang cá nhân. Cô viết:
"Thật sự, cũng đã cố im lặng vì ngại va chạm, vì muốn tiếp nhận thông tin từ 2 phía trước khi đưa ra nhận định cho mình. Nhưng hôm nay, sau khi đọc thông cáo báo chí và xem clip phỏng vấn của Trung tâm CSAGA - Tổ chức Phi chính Phủ, hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái với ca sĩ Phạm Anh Khoa thì thấy quá thất vọng. Một sự bao biện và thiếu tôn trọng phụ nữ đến từ chính những người mang danh bảo vệ quyền lợi phụ nữ.
Ngay mở đầu, cuộc trò chuyện đã tập trung định hướng môi trường làm việc và thời gian đặc thù của giới giải trí là điều kiện thuận lợi, dễ phát sinh hiểu lầm về quấy rối tình dục (QRTD), những người tham gia cuộc trò chuyện cũng khẳng định luôn giới này không có bộ quy tắc ứng xử để xác định đâu là hành vi QRTD và bị QRTD.
Xin lỗi, các vị không thể lấy sự việc của 1 cá nhân để quy kết cho một giới, một nghề. Cho dù môi trường làm việc tại nhà, thời gian làm việc bất quy tắc, thì vẫn có 1 quy tắc bất di bất dịch giữa con người với con người đó là phải tôn trọng đối tác. Khi anh đã có hành động, ứng xử, lời nói... khiến đối phương thể hiện thái độ, lời nói không bằng lòng thì anh cần kiềm chế, điều chỉnh. Chứ không phải ngang nhiên thể hiện cái tôi bừa bãi, đến khi đối tác không thể phản ứng ở phạm vi 2 người nữa thì lại bảo: Tôi giỡn, có gì đâu mà lớn chuyện.
Hành vi của anh có phải QRTD hay không xã hội có những đánh giá, quy chuẩn. Người làm trong giới giải trí càng có độ nhạy cảm để biết đâu là giới hạn công việc, đâu là làm phiền, là xâm hại người khác. Tôi lấy ví dụ trong nghề múa, nghề diễn, nam nữ thường xuyên có những động chạm cơ thể, chẳng nhẽ chúng tôi cứ hoàn thành một bộ phim, diễn xong một vở múa là tố bạn diễn QRTD. Nên sự khác nhau, nếu có là ở chính thái độ của mỗi người".
Đan Lê cho rằng Phạm Anh Khoa chưa chân thành xin lỗi và còn có những biện minh đầy mâu thuẫn: "Suốt 45’ cuộc trò chuyện khó có thể nhận thấy sự chân thành trong lời xin lỗi của Anh Khoa đối với chính xác những người đã tố cáo anh ta về tội QRTD. Khoa không thừa nhận mình có lỗi, chỉ vòng vo giải thích vì không biết nên vô tình tạo cảm xúc không tốt cho người khác.
Thật ra, nếu Khoa đàn ông đàng hoàng, Khoa chỉ cần làm 2 việc. 1 là xác nhận những cáo buộc kia có đúng hay không. (Khoa có nói với Lịch là: Anh đã khám phá, sờ xoạng hết cơ thể em bằng ý nghĩ hay không? Có ôm ấp, hôn hít, sàm sỡ, dồn cô gái M.P kia vào chân tường hay không? ...). Nếu có, Khoa hãy xin lỗi chân thành, thẳng thắn, hứa thay đổi. Nếu không, Khoa chỉ cần phủ nhận, không cần nhiều lời. Hành vi của Khoa đúng sai đến đâu, xã hội có đủ trí khôn để định đoạt. Thế cho mạch lạc.
Không chỉ thiếu thành thật Khoa còn đưa ra những biện minh đầy mâu thuẫn, Khoa kể câu chuyện con gái bị bạn cư xử thô lỗ, Khoa không chấp nhận việc đó nhưng lại lấy ví dụ trong showbiz, vỗ mông thay cho lời chào. Tôi không biết việc Khoa thấy ở đâu vì giới nào, nghề nào cũng có người này người nọ, có điều Khoa nhận định thế là xỉ nhục những người nghiêm túc trong nghề và nó cũng phần nào cho thấy, bên dưới những lời nói xoa dịu được trau chuốt kia, vẫn ẩn giấu quan niệm sâu kín của Khoa, xô bồ trong việc đụng chạm thể xác với phái nữ, coi thường phụ nữ.
Người xưa có câu: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Nhưng người ta chỉ dang tay đón lấy và chấp nhận người thay đổi nhận thức sâu sắc với bài học của mình và chủ động muốn chuộc lỗi. Còn qua cả cuộc đối thoại, người ta chỉ thấy một gã trai không nhận thức được thế nào là QRTD hoặc giả vờ không nhận thức được thế nào là QRTD. Vậy nên việc Khoa trở thành đại sứ cho phong trào metoo tại Việt Nam (Phong trào chống nạn QRTD tại nơi làm việc), giúp thay đổi nhận thức và thái độ cho mọi người về QRTD chỉ là một trò hèn. Và tổ chức lựa chọn Khoa đứng vào vị trí đấy cũng làm ra một trò hề".
Thụy Vân cho rằng: "Ôi trời, kẻ QRTD lại là đại sứ chống QRTD, có khác nào, kẻ giết người hàng loạt đại diện cho công lý! Kinh khủng".