Loại rau này chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho xương và tim, ngăn ngừa ung thư và bệnh tiểu đường.
Trong danh sách 41 loại rau củ quả dinh dưỡng nhất thế giới được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố tháng 11/2023 vừa qua, rau cải cầu vồng xếp thứ 3, sau rau cải xoong và cải thảo. Cải cầu vồng thuộc họ củ cải đường, có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải, phần thân có nhiều màu sắc rực rỡ, hiện được trồng rộng rãi trên khắp thế giới. Dưới đây là những lợi ích sức khoẻ mà rau cải cầu vồng mang lại:
Giàu vitamin K, tốt cho xương
Một khẩu phần rau cải cầu vồng (khoảng 175g) nấu chín cung cấp 477% lượng vitamin K cơ thể cần mỗi ngày. Vitamin K cần thiết cho quá trình đông máu và sức khoẻ xương. Cơ thể cần vitamin K để tạo một loại protein liên quan đến sự hình thành và duy trì xương.
Khi chế độ ăn uống không đáp ứng đủ vitamin K cơ thể cần sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương. Vitamin K còn tốt cho sức khỏe não bộ, ngăn ngừa chứng mất trí nhớ.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Rau cải cầu vồng chứa nhiều chất xơ và các chất chống oxy hoá có thể làm giảm lượng đường trong máu. Các thực phẩm giàu chất xơ làm chậm tốc độ hấp thụ đường vào máu, ổn định đường huyết trong cơ thể đồng thời làm giảm tình trạng kháng insulin. Kháng insulin có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và béo phì.
Một đánh giá dựa trên 23 nghiên cứu đã kết luận những người ăn nhiều rau lá xanh, trong đó có cải cầu vồng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn 13% so với những người ăn ít rau xanh lá.
Hỗ trợ giảm cân
Ăn nhiều loại rau giàu chất xơ như cải cầu vồng tăng cảm giác no, hạn chế lượng thực phẩm nạp vào cơ thể. Một khẩu phần rau cải cầu vồng nấu chín chỉ chứa 35 calo, vậy nên loại rau này có thể là thực phẩm lý tưởng trong chế độ ăn lành mạnh của người đang muốn giảm cân.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Loạt các chất chống oxy hóa có trong cải cầu vồng có khả năng giảm mức độ viêm, ổn định huyết áp, có lợi cho sức khỏe tim mạch. Loại rau này cũng chứa nhiều khoáng chất quan trọng để duy trì mạch máu khoẻ và điều hoà nhịp tim như magiê, kali, đồng, sắt và canxi.
Có thể ngăn ngừa ung thư
Các loại rau xanh lá như cải cầu vồng chứa nhiều chất chống oxy hoá và hợp chất thực vật bao gồm beta-carotene, flavonoid, carotenoid và betalain. Các nghiên cứu cho thấy chiết xuất rau cải cầu vồng có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở người, có liên quan đến khả năng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư từ các khối u vú, đại tràng, tuyến tiền liệt, buồng trứng, nội mạc tử cung và phổi.
Cải thiện tiêu hoá
Cải cầu vồng giúp giảm viêm trong đường ruột, điều hoà nhu động ruột hoạt động trơn tru. Chất xơ trong loại rau này có khả năng cải thiện sức khỏe đại tràng và tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và tiêu chảy.
Bảo vệ mắt
Loại rau này là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa carotenoid lutein và zeaxanthin tuyệt vời, được chứng minh khả năng bảo vệ thị lực. Theo các nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng Con người về Lão hóa của USDA, carotenoid có thể bảo vệ võng mạc và giác mạc, ngăn ngừa các bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác, bao gồm thoái hóa điểm vàng, bệnh tăng nhãn áp, quáng gà và đục thủy tinh thể.
Lưu ý khi ăn rau cải cầu vồng
Rau cải cầu vồng có thể ăn sống hoặc nấu chín, cũng có thể ép nước để uống. Những người đang sử dụng thuốc làm loãng máu không nên ăn rau cải cầu vồng vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Giống như các loại rau lá xanh khác, cải cầu vồng chứa nhiều oxalat có thể gây hình thành sỏi thận, vậy nên hãy ăn cải cầu vồng ở lượng vừa phải, uống đủ nước và hạn chế thêm muối vào các món rau.
Theo Healthline, Dr Axe