Đối với loại bạch tuộc có những đốm điểm trên người sau đây, người bán cần thận trọng và người mua cũng cần lưu ý vì độc tính rất cao.
- Ngất ngây với công thức làm vỏ bánh chuối chiên, thơm ngon, giòn rụm, phồng to đều đều
- Thịt viên ăn liền: Cực tiện lợi nhưng hương vị có thực sự đáng giá?
Mới đây, mạng xã hội xôn xao khi hàng loạt fanpage chia sẻ về một loại bạch tuộc có độc tố cực mạnh. Trong đó có không ít người sinh sống tại vùng biển cũng lên tiếng cảnh báo.
Vài năm trước, trên trang Hạ Long Today cũng từng đăng bài mang tính cảnh báo đến tất cả mọi người, nhất là những người ham mê ăn bạch tuộc về loại động vật đáng sợ này. Bài viết từ trang này chia sẻ rằng, có một trường hợp người dân đi mua bạch tuộc về ăn. Khi đem ra chế biến, người dân phát hiện một con có bề ngoài kỳ lạ với những đốm xanh nên bỏ ra ngoài. Khi được hỏi, họ mới hay biết đây chính là giống bạch tuộc đốm xanh cực độc, may mắn là chưa ăn phải.
Nhìn bề ngoài, bạch tuộc đốm xanh có ngoại hình khá quen thuộc, giống như bao loại bạch tuộc khác, thậm chí những vết đốm còn khiến loài vật này nhìn rực rỡ hơn. Nhưng điều đáng sợ là chất độc của nó thuộc loại vô phương cứu chữa mà nếu ai vô tình bị nó cắn thì sẽ tử vong chỉ trong vòng 2 phút.
Theo Giáo sư Culum Brown (đến từ Đại học Macquarie, Úc) thông tin trên Báo Phụ Nữ Việt Nam: Loài bạch tuộc này dù kích thước nhỏ chỉ tương đương với quả bóng bàn nhưng vết cắn của chúng có thể xuyên qua da người. Với nọc độc cực mạnh sẽ khiến nạn nhân buồn nôn, suy tim, tê liệt toàn thân, ngừng thở, mù lòa, thậm chí tử vong trong vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời. Bạch tuộc đốm xanh thậm chí còn sở hữu nọc độc với nồng độ gấp 50 lần so với rắn hổ mang.
Thực tế tại Việt Nam đã có trường hợp tử vong vì tiếp xúc với loại bạch tuộc này. Tháng 7 năm 2017, chị Văn Thị Tý (32 tuổi, trú xã Vinh Hà, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đi đánh bắt hải sản cùng chồng trên thuyền. Rạng sáng 7/7, trong lúc kéo lưới đã bị một con bạch tuộc cắn vào chân và ngất xỉu. Sau khi được chồng đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, chị Tý đã tử vong.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nhận định nạn nhân có khả năng chết do bạch tuộc cắn. Con bạch tuộc cắn chị Tý tử vong chính là bạch tuộc đốm xanh. Sau đó, Trung tâm Y tế huyện Phú Vang đã đăng tải thông tin trên website để cảnh báo cho bà con nhân dân về một loại bạch tuộc tên là "bạch tuộc đốm xanh" có khả năng gây chết người.
Theo các nhà khoa học, chất độc của bạch tuộc xanh có thể tồn tại ở nhiệt độ cao dù đã được nấu kỹ hay đã chết. Theo Wikipedia, bạch tuộc đốm xanh dù có kích cỡ nhỏ 12-20cm, với bản tính hiền lành nhưng cực nguy hiểm khi bị kích động. Độc tố của một con bạch tuộc xanh 25g có thể giết chết 10 người nặng trên 70kg.
Wikipedia nhấn mạnh, bạch tuộc xanh sản sinh ra độc tố chứa tetrodotoxin, histamine, tryptamine, octopamine, taurine, acetylcholine và dopamine. Độc tố này có thể gây ra chứng buồn nôn, ngừng hô hấp, suy tim, liệt nặng và đôi khi hoàn toàn, mù và có thể gây tử vong trong vài phút nếu không được chữa trị. Tử vong thường bị gây ra do ngạt thở bởi liệt cơ hoành.
Dấu hiệu bị trúng độc từ bạch tuộc xanh
Theo Cục VFA, người ăn phải thực phẩm chứa độc tố tetrodotoxin, sau 5 phút đến 3-4 giờ mới xuất hiện cảm giác:
- Ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu.
- Tiếp theo thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, mặt ửng đỏ, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu.
- Trường hợp nặng sẽ xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong.
Nói chung, khi bị ngộ độc bạch tuộc đốm xanh, bệnh nhân cũng có những triệu chứng tương tự như ngộ độc cá nóc, ban đầu sẽ cảm thấy khó chịu, mặt đỏ, đồng tử co rồi giãn ra, buồn nôn, tiêu chảy, chân tay mỏi rũ, thậm chí có người còn thấy rét run, đầu ngón chân, ngón tay tê dại.
Đối với những người bị nhiễm độc nặng sẽ xuất hiện những dấu hiệu: Người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở. Sau cùng là liệt cơ hô hấp, ngừng thở, trụy tim mạch và tử vong.
Theo giới chuyên gia, tốt nhất không nên tiếp xúc với bạch tuộc đốm xanh dựa trên cảm quan màu sắc nhận dạng. Ngoài ra, bạn cũng tuyệt đối không nên sử dụng những món ăn được chế biến từ bạch tuộc đốm xanh.
Nếu chẳng may ăn phải bạch tuộc đốm xanh cần nhanh chóng dùng mọi cách để nôn ra ngay. Song song với điều này, mọi người nên nhanh chóng sơ cứu nạn nhân bằng cách sử dụng bột than hoạt tính pha vào nước uống và gọi xe cấp cứu nhanh chóng để đến bệnh viện kịp thời.