Mặc dù là một loài rau dại, nhưng bồ công anh có rất nhiều công dụng cực kỳ tốt cho sức khỏe.
Từ xa xưa người ta đã biết sử dụng một số loại thảo dược để làm kháng sinh tự nhiên, có thể chữa được một số bệnh thông thường. Có một số loại cây tưởng chừng như rau dại nhưng lại có công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, biết được công dụng của bồ công anh, bạn có thể phòng tránh được rất nhiều bệnh
Những công dụng của bồ công anh
Trong y học Trung Quốc, ngay từ thời nhà Đường, người ta đã biết dùng bồ công anh làm thuốc. Loại rau này có vị đắng, tính lạnh, có thể giúp tiêu độc, giảm sưng, giảm cholesterol… Ngoài ra, nó còn có tác dụng trong việc giảm các triệu chứng khó tiêu, táo bón, làm sạch mạch máu.
Bồ công anh còn được ví như một loại "kháng sinh tự nhiên", có thể điều trị được nhiều loại bệnh truyền nhiễm như nhiễm trùng đường hô hấp, viêm túi mật, ngăn ngừa cảm cúm… Thông thường, bồ công anh có thể phơi khô làm trà hoặc nấu nước uống, nhưng nó cũng được đem đi chiên xào, luộc. Đặc biệt, món rau bồ công anh trộn với trứng đem rán lên được nhiều người cực kỳ yêu thích, cách làm tương tự như ngải cứu xào trứng.
Một số tác dụng chính của bồ công anh phải kể đến như:
- Giải độc
Không phải hoa mà thân cây và rễ của bồ công anh khi phơi khô, nấu thành nước uống có tính thanh nhiệt, giải độc rất tốt. Nó sẽ giúp làm giảm các triệu chứng như đau miệng, hôi miệng, mất ngủ, đỏ mặt, khô mắt…
- Giảm sưng
Nước bồ công anh có thể làm thông tuyến sữa đang tắc, giúp điều trị giảm sưng và viêm vú. Đây là một loại thảo dược rất tốt trong việc điều trị các triệu chứng sưng vú.
- Chống viêm, kháng khuẩn
Các thành phần của bồ công anh có thể ức chế sự xâm nhiễm của trực khuẩn thương hàn, tụ cầu vàng. Uống nước bồ công anh thường xuyên có thể giúp cơ thể phòng tránh vi khuẩn xâm nhập. Nước nấu từ cây bồ công anh có thể chữa được bệnh nấm da, khử trùng, tiêu sưng, chống ngứa hiệu quả.
- Lợi tiểu
Trong Đông y, bồ công anh còn được gọi là "cỏ đái dầm", bởi nó có tác dụng lợi tiểu rất tốt, giúp hỗ trợ điều trị các bệnh viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm vùng chậu, viêm bể thận…
- Chống lão hóa
Đối với phụ nữ, uống nước bồ công anh hay ăn thân và lá của nó có thể giúp xóa mờ tàn nhang, làm đẹp và sáng da.
- Bảo vệ đường tiêu hóa
Bồ công anh là loại thảo dược chữa bệnh đau dạ dày rất hiệu quả. Nếu có triệu chứng đau vùng thượng vị, đầy bụng, nôn mửa, khó tiêu, gan nóng… có thể bổ sung bồ công anh làm món ăn hoặc nấu nước uống.
- Phòng ngừa và ức chế sự phát triển của khối u
Rễ cây bồ công anh rất giàu triterpene, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư. Ngoài ra, Polysaccharide và lentinan là những chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp ức chế sự phát triển của khối u.
- Cải thiện chứng viêm niệu đạo
Mùa hè là khoảng thời gian có tỷ lệ mắc bệnh viêm niệu đạo và nhiễm trùng đường tiết niệu cao. Trong khi đó, bồ công anh có chứa thành phần kháng khuẩn và kháng viêm nên có hiệu quả trong việc chữa trị căn bệnh này. Đặc biệt, nó có thể cải thiện tình trạng tiểu rắt do viêm tuyến tiền liệt gây ra.
Đối tượng không nên tiêu thụ bồ công anh
Mặc dù bồ công anh có nhiều lợi ích nhưng có 3 loại người không thích hợp để tiêu thụ.
1. Người có tiền sử bị dị ứng
Bồ công anh không phải là loại rau lành tính dành cho tất cả mọi người. Trên thực tế, có một số ít người sẽ bị dị ứng sau khi uống nước bồ công anh, chẳng hạn như nổi mụn nhỏ hoặc ngứa. Nếu xác nhận đó là dấu hiệu của dị ứng, tốt nhất bạn nên dừng uống ngay.
2. Người thiếu dương khí, tỳ vị hư nhược
Bồ công anh có tính lạnh, không nên ăn hoặc uống khi tỳ vị và dạ dày đang kém, nếu không sẽ làm tăng gánh nặng lên đường tiêu hóa, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu.
3. Người bị hội chứng âm hư
Trong y học Trung Quốc, người mắc chứng âm hư có âm khí trong người quá nhiều, khiến cơ thể suy nhược, tay chân lạnh, mệt mỏi, chán ăn. Lúc này, cơ thể tuy không sốt nhưng bệnh kéo dài, khiến thể trạng người bệnh kém dần. Những người mắc bệnh này cần tránh đồ ăn thức uống có tính lạnh, nếu không sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề đang mắc phải.
Chú ý:
Bồ công anh có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhưng vẫn có một số chú ý khi chế biến và tiêu thụ nó.
- Không uống trà bồ công anh lạnh
Vì bồ công anh có tính lạnh nên nếu uống lạnh sẽ dễ gây tiêu chảy, tốt nhất là nên uống trà nóng hoặc ấm.
- Không uống quá nhiều
Chỉ nên sử dụng 3-5g bồ công anh khô pha thành nước uống, không nên uống quá nhiều.
- Không uống mỗi bồ công anh nếu là người có tỳ vị và dạ dày kém
Đối với những người yếu tỳ vị, dạ dày kém nếu vẫn muốn uống nước bồ công anh thì nên thêm một số nguyên liệu khác để trung hòa dược tính, chẳng hạn như chà là, gừng, hoa hồng…