Hai cuốn sổ tay ghi chép công việc hàng ngày của Bác Hồ cùng với 150 tài liệu, hiện vật và những câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử tại Trưng bày Ngày Độc lập giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về mốc son lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giá trị của độc lập, tự do…
- Xử lý hình sự người phạm tội liên quan phòng chống dịch Covid-19
- BN979 tại Hà Nội di chuyển nhiều, tiếp xúc với nhiều người
Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2020) Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày Chuyên đề "Ngày độc lập 2/9".
Trưng bày là hoạt động văn hóa góp phần kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2020) và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) (2/9/1945-2/9/2020). Tiếp tục khẳng định Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam.
Trưng bày khai mạc sáng 18/8 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã đến dự và cắt băng khai mạc Trưng bày.
Trưng bày "Ngày Độc lập 2/9" được chia thành 2 phần: Sức mạnh dân tộc và Ngày Độc lập 2/9.
Ở phần I, Sức mạnh dân tộc tập trung giới thiệu những nội dung như: Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước ngày 28/1/1941 để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, tháng 5/1941 đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước của dân tộc để xây dựng khối đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ cách mạng… cùng với quá trình chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, khi thời cơ đến, Đảng đã phát động toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền; Đại hội Quốc dân Tân Trào ngày (16/8/1945) nhất trí tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong cả nước; sự kiện Vua Bảo Đại thoái vị (30/8/1945), chế độ phong kiến tồn tại trên đất nước ta hàng ngàn năm bị xóa bỏ.
Phần 2: Ngày Độc lập 2/9, gồm những hiện vật, tài liệu thể hiện sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành quả của Cách mạng tháng Tám: Nhà nước dân chủ nhân dân; Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946; Quốc hội thông qua Hiến pháp 1946; và ký ức về ngày Độc lập- qua những câu chuyện kể, hồi ức của các nhân chứng lịch sử. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn người dân vừa được giải thoát khỏi kiếp nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/9/1945 trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Những hiện vật tiêu biểu của phần này gồm hình ảnh Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Quốc kỳ, Quốc ca, Hiến pháp, sưu tập tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (giấy bạc Cụ Hồ)... Đặc biệt, lần đầu tiên, Trưng bày giới thiệu hai cuốn sổ tay ghi chép các công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 2/9/1945 đến 17/10/1945.
TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: Thông qua Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mong muốn góp phần giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về mốc son lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giá trị của độc lập, tự do... từ đó góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.