Sống gần cả đời người mà muốn di chuyển phải trườn trên mặt sàn, nhưng chị Nhật Lệ sở hữu trong mình một tâm hồn tươi đẹp, một tinh thần lạc quan và rất nhiều tài lẻ.
- Đồng Nai: Mâu thuẫn tình cảm, người đàn ông dùng xăng đốt nhà người tình dẫn đến tử vong thương tâm
- Danh tính kẻ 'giở trò' đồi bại với nữ chủ shop quần áo tại Vĩnh Phúc gây bức xúc
Trong gian tạp hóa nhỏ chật hẹp chứa đầy ắp những món đồ chơi, quà vặt cho trẻ em nằm ven đường trung tâm xã Hòa Bình, Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi bất ngờ nhìn thấy một người phụ nữ thân hình nhỏ thó như đứa trẻ lên 5 tuổi, nặng khoảng 20kg. Chị có khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng, nụ cười lạc quan, khách tới quán dù lạ dù quen, bất kì độ tuổi nào cũng chào và cười nói thân thiện như những người bạn.
Chữ đẹp, văn thơ hay dù chưa một lần đến trường
Chị Trần Nhật Lệ (SN 1966) lớn lên trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em, 3 người đã mất, giờ còn 4 chị em gái. Cuộc đời chị buồn như cái tên.
Khi mới sinh, Nhật Lệ cũng là cô bé bình thường như bao bạn đồng trang lứa khác, nhưng càng lớn cơ thể càng biến dạng, chân tay teo tóp khiến chị không thể ngồi hay đi lại được mà chỉ có thể nằm úp, ngửa. Muốn di chuyển, chị phải trườn đẩy ngược như em bé 6, 7 tháng.
Dù chưa 1 lần cắp sách đến trường thế nhưng người phụ nữ này lại biết đọc, viết chữ đẹp, làm thơ, viết văn hay. Chị chia sẻ: "Nhà đã đông đã nghèo rồi mà 7 chị em 2 người khuyết tật, thế là mình chẳng được chăm sóc gì, cũng chẳng được đi học, trường học ngay đây mà cũng chẳng được đi".
Chị cho chúng tôi xem những bài thơ, bài văn chị làm, những dòng nhật kí lưu lại dấu ấn của thời gian, những nét chữ nắn nót, cẩn thận trên từng trang giấy cũng phần nào thể hiện tình yêu văn thơ, say mê con chữ của chị tới nhường nào.
Hoàn cảnh gia đình và số phận quá đỗi khắc nghiệt, chị không được đến trường, thèm khát được học nên phải mượn sách vở của các anh chị em họ hàng và bạn bè để tự đọc lấy. Mỗi ngày chị tự viết một bài văn, làm một bài toán. Bạn của bố mẹ đến chơi, ai cho đồng nào chị đều để dành mua bút, sách vở.
Chị Nhật Lệ còn sở hữu nhiều tài lẻ như đan lát, thiêu thùa, vẽ tranh, hát hay. Chị lưu giữ những cuốn sổ để ghi chép, làm thơ, vẽ tranh như một cách để yêu thương, kết nối với chính mình. Thấy chị viết chữ đẹp, vẽ tranh giỏi, cán bộ xã Hòa Bình thường đến nhờ chị viết các loại giấy khen, nhiều người trong làng cũng nhờ cắt vẽ tranh trang trí, phông cưới, rồi trả tiền công.
Nhỏ bé nhưng đầy nghị lực
Trong căn nhà được Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ tiền xây, được xã Hòa Bình bố trí quỹ đất từ 2006, lâu ngày nên giờ đã bị dột mất rồi, thật khó có thể tin được một người với cơ thể, hoàn cảnh như chị lại tự làm mọi việc từ nấu cơm, rửa bát, vệ sinh cá nhân.
Chị kể lại:"Buổi sáng tôi thức dậy từ 4-5 giờ để sắp xếp đồ đạc, làm mọi việc rồi mở cửa bán cho học sinh kịp mua trước khi vào lớp, xong đâu đấy mới ăn. Đồ ăn có khi là mọi người cho, có khi tôi nhờ người mua hộ. Tự mình xoay sở thì cũng có bữa đói bữa no nhưng cái gì làm được tôi sẽ gắng hết sức để làm chứ không muốn phiền ai".
Bởi vì suy nghĩ như thế nên chị không chỉ tự chăm sóc bản thân, mà còn kiếm tiền nuôi sống mình. Hơn chục năm nay, quán nhỏ đặc biệt của cô Lệ đã trở nên quá thân thuộc, gần gũi với tụi học sinh.
Hàng thì cũng không có gì đáng giá lắm, thứ to tiền nhất là 10 nghìn, còn lại chủ yếu là từ 1-5 nghìn đồng. Mỗi ngày bán được khoảng 100 nghìn đồng tiền hàng thì chị lãi 10-20 nghìn. Một ngày chị bán tập trung vào 3 thời điểm sáng, trưa, chiều khi học sinh vào học, tan học. Thời gian còn lại chị tập trung đan áo, thêu thùa.
Đôi tay nhỏ nhắn thoăn thoắt đi theo từng mũi kim đan, chị móc những chiếc mũ, bông hoa, búp bê nhỏ xinh. Vừa ngồi móc len và cười nói, trò chuyện với chúng tôi. Khá bất ngờ khi những sản phẩm thủ công được tạo hình một cách tỉ mỉ, chỉn chu, đẹp đẽ bởi chính đôi tay nhỏ bé hơi run run của một người khuyết tật.
"Tôi tự làm hết, cái này học trên mạng rồi đan tự làm, trước tôi có học nghề thêu, bây giờ là móc len. Cứ sống tốt khắc gặp nhiều điều may, để phước cho con cái sau này, chỉ mong đủ khỏe mạnh để hằng ngày làm cái này" - chị Lệ tâm sự.
Chị yêu thành phẩm mình làm ra lắm, bởi nó chứ đựng thời gian, công sức, tâm huyết của chị ở trong từng món đồ nhỏ. Mỗi một vật móc len lại được chị trân trọng, yêu thương, coi như những tri kỉ. Công việc vừa tạo ra thu nhập, cũng góp phần tạo niềm vui và sự lạc quan trong cuộc sống.
Mấy năm nay chị bị nặng tai và sức khỏe kém hơn nên học sinh, khách đến mua trả tiền rồi tự lấy đồ họ cần mua. Bởi thế cũng có bạn đến mua rồi giúp chị việc này việc nọ. Nhiều khi có bạn mua đồ không đủ tiền chị vẫn bán hoặc cho thêm.
Khi hỏi về ước nguyện của mình, chị Trần Nhật Lệ chia sẻ: "Tôi chỉ mong có được cái xe lăn, thỉnh thoảng để còn đi ra đường, ngắm đường ngắm phố, xe lăn thường thôi không cần mua xe lăn điện đâu. Xe lăn thường mà họ bảo tôi tận 20 triệu, nhưng một mình tôi không có dám ra đường đâu".
Cuộc sống không hề công bằng với chị Lệ, nhưng chị luôn lạc quan và khát vọng sống một đời trọn vẹn lớn lao:"Ở hoàn cảnh nào, mình phải vươn lên ở hoàn cảnh đó, số phận ông trời sắp đặt thế, buồn tủi làm gì?".