Nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 12-2018. PLO xin giới thiệu một số nội dung đáng chú ý…
- Giá vàng hôm nay 30/11: Một câu lỡ lời, USD tụt áp, vàng tăng vọt
- Giá vàng hôm nay 29/11: Bán tháo dồn dập, vàng tụt giảm
Đóng BHXH bắt buộc
Từ 1-12, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau: Ốm đau; thai sản; bảo hiểm; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.
Hàng tháng người lao động nước ngoài đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó, thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
(Nghị định 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hộivà Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12 quy định).
Quy định mới về tiền lương ngày nghỉ lễ
Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hàng năm, ngày nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên, ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương.
Cụ thể, trong các ngày nghỉ, tiền lương được tính như sau: Tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định nhân với số ngày người lao động nghỉ (theo quy định cũ, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động được quy định cụ thể là tiền lương của tháng trước liền kề).
(Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung của Bộ luật Lao động, có hiệu lực từ ngày 15-12).
Điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ
Đây là nội dung quy định tại Nghị định 153/2018/NĐ-CP quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.
Cụ thể, từ ngày 24-12, mức điều chỉnh sẽ được tính bằng mức lương hưu theo quy định của Luật BHXH 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm hưởng lương hưu.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 24-12.
Xếp lương với công chức quản lý DN Nhà nước
Từ ngày 5-12, trường hợp đã có thời gian xếp lương ở ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương thì căn cứ vào thời gian hưởng bậc lương ở ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương đó và thời gian giữ chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty, công ty để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên, chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.
Những trường hợp đã có thời gian xếp lương ở ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương hoặc có đủ 3 điều kiện sau thì được xem xét xếp lương ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương: đang giữ chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty…; có thời gian đóng BHXH bắt buộc đối với công việc yêu cầu trình độ đại học từ đủ 10 năm trở lên, trong đó có thời gian giữ chức danh quản lý tối thiểu 5 năm; đã xếp hệ số lương đóng BHXH của chức danh quản lý...
(Thông tư 13/2018/TT-BNV sửa đổi khoản 8 mục III Thông tư 79/2005/TT-BNV, có hiệu lực từ ngày 5-12 quy định).
Chế độ phụ cấp đối với giáo viên
Từ ngày 10-12, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập ngoài việc được xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo như quy định cũ (tại Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH) thì còn có thể được xếp vào các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo.
Giáo viên đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo thì được hưởng phụ cấp ưu đãi.
Riêng giáo viên thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ Tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành… thì không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo.
(Thông tư 27/2018/TT-BGDĐT sửa đổi một số điều về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, có hiệu lực từ ngày 10-12 quy định).
“
5 trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh
Hỗ trợ 100% chi phí KCB với các đối tượng gồm người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Hỗ trợ 100% chi phí KCB và không áp dụng giới hạn tỉ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, trẻ em dưới sáu tuổi…
Hỗ trợ 100% chi phí KCB tại tuyến xã
Hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở;
Hỗ trợ 100% chi phí KCB khi người bệnh tham gia BHYT năm năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở, trừ khi tự đi KCB vượt tuyến.
Đối với các trường hợp khác, mức hưởng BHYT chỉ 80%-95%.
(Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12. có hiệu lực từ ngày 1-12 quy định).
”