Xuất hiện nhiều biến thể phụ, bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong đang tăng

Tin y tế 22/09/2022 09:54

Mới đây, Bộ Y tế cho biết số bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong có xu hướng tăng.

Theo thông tin từ báo Người Lao Động, trong hơn 1 tháng qua, có ngày nước ta ghi nhận tới 5 bệnh nhân tử vong. Số ca nặng dao động trong khoảng 120-190 ca. Riêng ngày 21-9, có thêm 2.287 ca mắc và 4 ca tử vong.

Cụ thể, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2), số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị khoảng 150 ca/ngày, trong đó có nhiều trường hợp rất nặng được chuyển đến từ các cơ sở y tế tuyến dưới.

Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, khoa hiện có hơn 40 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị tại khoa, trong số này hơn 20 ca nặng, nguy kịch phải thở máy; số còn lại được can thiệp ôxy các mức. Đáng chú ý, có khoảng 20% bệnh nhân nặng, nguy kịch chưa từng tiêm vắc-xin COVID-19, chủ yếu rơi vào các ca cao tuổi, người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV, bệnh nền... Trong khi đó, tại Khoa Virus - ký sinh trùng, mỗi ngày có thêm khoảng 20 ca bệnh.

Gần đây, lượng bệnh nhân COVID-19 nặng nhập viện tăng rõ rệt so với tháng trước. Tại Bệnh viện E (Hà Nội), bác sĩ Vũ Phương Nga, Khoa Bệnh Nhiệt đới, cho biết ngày nào khoa cũng ghi nhận 1 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, suy hô hấp phải nhập viện. Không chỉ ghi nhận bệnh nhân mắc COVID-19 tăng mà có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 đồng thời bị sốt xuất huyết.

Xuất hiện nhiều biến thể phụ, bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong đang tăng - Ảnh 1
Bác sĩ đang lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện E (Hà Nội) - Ảnh: Báo người Lao Động

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dịch COVID-19 đang gia tăng trở lại. Số ca mắc được công bố mỗi ngày chưa phải là con số thực tế bởi nhiều trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên không xét nghiệm hoặc một số trường hợp xét nghiệm dương tính cũng không khai báo. "Tại một số bệnh viện tuyến trung ương, có nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy. Đây là dấu hiệu của sự bùng phát dịch trở lại" - ông Trần Đắc Phu nhận định.

PGS Phu cho rằng thời gian qua, miễn dịch cộng đồng đang giảm bởi đặc thù của miễn dịch COVID-19 khác với nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Với COVID-19, sau lần mắc đầu tiên một thời gian, miễn dịch giảm dần nên nhiều người đã mắc bệnh lần 2. Kể cả khi tiêm đủ các liều vắc-xin cơ bản thì miễn dịch của vắc-xin cũng giảm trong vòng vài tháng, do đó cần tiêm các mũi nhắc lại.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch và chiến lược tiêm vắc-xin phòng COVID-19 vẫn hết sức quan trọng. Hiện nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron như BA.4, BA.5, BA2.74, BA 2.12.1 với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Trong khi đó, tiến độ tiêm chủng còn chậm, tỉ lệ tiêm vắc-xin COVID-19, nhất là tiêm cho trẻ em, còn thấp. 

Xuất hiện nhiều biến thể phụ, bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong đang tăng - Ảnh 2
Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi - Ảnh: Bộ Y tế

Theo thông tin từ Bộ Y tế, sau phiên họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 lần thứ 17, Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm chủng thấp nghiêm túc rà soát, xem xét trách nhiệm các cấp, làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành việc tiêm vaccine để khẩn trương có biện pháp khắc phục. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm vaccine để hoàn thành kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh.

Dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Do đó tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

Bị vòi nước rửa xe bắn trúng vào mắt, người đàn ông chịu cảnh mù, mờ suốt 4 tháng

Tai nạn khi rửa xe, mắt anh Đ. rơi vào tình trạng đau nhức, thị lực kém. Qua khám lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị đứt chân mống mắt.

TIN MỚI NHẤT