Thực hư thông tin có biến thể COVID-19 mới 'độc hơn Delta gấp 5 lần là chưa thể khẳng định, việc lý giải vẫn theo trình tự gen được thực hiện thường xuyên.
- Kịch bản phòng chống COVID-19 ở các tỉnh thành
- Cảnh báo: Triệu chứng mắc Covid-19 thay đổi khác thường, nhiều người đau cơ thay vì mất khứu giác
Theo Báo Người Lao Động, liên quan đến thông tin trên mạng, một số hội nhóm chia sẻ nội dung: "Biến thể COVID-Omicron mới: độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần nên dĩ nhiên có tỉ lệ tử vong cao hơn... ", "Mất ít thời gian hơn để đi đến tình trạng nghiêm trọng và đôi khi không có triệu chứng gì trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng".
Cũng theo cảnh báo này "điểm khác biệt là không ho, không sốt…" mà có biểu hiện "đau xương khớp, đau đầu, viêm phổi, không thèm ăn..."
Chiều 13-4, tại cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình COVID-19, đại diện Bộ Y tế khẳng định hiện nay chưa có thông tin về việc phát hiện biến thể COVID-19 mới.
Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin trên Người Lao Động, cho biết công tác giải trình tự gene COVID-19 vẫn được các đơn vị triển khai thường xuyên. Hiện nay, các phòng xét nghiệm vẫn thu thập mẫu bệnh phẩm từ các ổ dịch hoặc xét nghiệm ngẫu nhiên để giải trình tự gen. Ngoài ra, tiếp nhận các thông tin từ quốc tế về biến thể của virus, nếu có.
Ông Lân cho biết đến thời Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và trong nước cũng chưa ghi nhận các biến chủng khác. Hiện nay trên thế giới, cũng như Việt Nam biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế.
Với biến thể Omicron vắc-xin vẫn có hiệu quả hạn do đó người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. "Các nhà khoa học dự báo virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn tiếp tục tồn tại vì thế, để không ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, cuộc sống, các biện pháp phòng chống cần tập trung vào đối tượng nguy cơ cao"- GS Lân khuyến cáo.
Theo VOV, trên thực tế, số ca mắc COVID-19 hiện nay tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc - nơi đang có sự giao mùa, với tỷ lệ mắc mới tăng gần 4 lần với tuần trước đó. Bên cạnh điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của virus, ý thức phòng bệnh của người dân, đặc biệt là việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở khám chữa bệnh chưa được đảm bảo.
"Thời gian qua, Lào Cai, Hà Nội có xảy ra chùm ca mắc, tuy nhiên, các cấp chỉ đạo tiến hành chủ động vào cuộc nhanh chóng và kiểm soát được. Tại Lào Cai, sau 5 ngày, dịch không còn lan rộng. Như vậy, chúng ta đánh giá chung tình hình thì số mắc trong thời gian tới có thể có sự gia tăng. Tuy nhiên, số nặng, nhập viện chưa có sự đột biến, do đó, tôi nhấn mạnh lại, chúng ta vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, việc đánh giá tình hình dịch COVID-19 sẽ dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất là virus SARS-CoV-2. Đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế. Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh. Những nơi có tăng ca nặng là do số mắc tăng tương ứng. Một số khu vực ghi nhận số ca mắc tăng cục bộ, tăng số ca nặng là do số ca mắc tăng tương ứng.
Thứ hai là môi trường sống, hành vi của người dân. Hiện nay, hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao. Cùng với đó, việc giao lưu đi lại sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn và đã tạo điều kiện cho virus lây lan. Một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, không đeo khẩu trang hay khử khuẩn tay, đã làm gia tăng sự lây nhiễm.
Thứ ba là biện pháp đáp ứng, theo đó, vũ khí hiệu quả của Việt Nam là có tỷ lệ bao phủ vaccine rất cao. Với liều cơ bản, Việt Nam bao phủ gần như 100% cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên; mũi 3, 4 cũng đạt tỷ lệ cao 80-90%; việc tiêm cho trẻ từ 5 đến - dưới 12 tuổi mũi 1 cũng lên đến 90%, mũi 2 là gần 70%. Tuy nhiên có nơi, có chỗ tỷ lệ tiêm chưa đạt như mong muốn, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao.
"Thực tế số lượng vaccine hiện nay phân bố dựa trên nhu cầu và đề xuất của các địa phương. Vì thế nơi nào có đề xuất, Bộ Y tế sẽ tham mưu để làm cân đối đầy đủ. Chúng ta căn cứ trên bối cảnh từng đặc điểm dịch tễ để tiêm phòng cho người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những nghiên cứu trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để tiếp tục đưa ra lịch tiêm chủng phù hợp. Sắp tới chúng ta sẽ rà soát để làm thế nào có khuyến cáo kịp thời và đúng thời điểm", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Để giảm bớt sự lây nhiễm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) + Vaccine. Với những người có nguy cơ cao dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19 (người cao tuổi, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai...) khi đến nơi đông người, môi trường ít thông thoáng thì nên đeo khẩu trang; đồng thời phải tiêm chủng vaccine đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế.