Người bệnh lở loét, hoại tử khắp người do tự dùng thuốc nam chữa bệnh

Tin y tế 28/04/2023 06:09

Các tổn thương trên da người bệnh lan rộng và sâu, chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc (Hội chứng Lyell).

Theo thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống, bệnh nhân nữ, 40 tuổi, bị ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật cách đây một năm, chưa từng bị dị ứng thức ăn hay thuốc. Bệnh nhân nhập viện Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương vì các dát thâm hoại tử trên da.

Khai thác tiền sử bệnh nhân được biết, một tháng trước khi vào viện, bệnh nhân có uống thuốc đông y với mong muốn nâng cao sức khỏe. Sau khi uống thuốc được ba tuần, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các dát đỏ ngứa nhiều ở lòng bàn tay hai bên. Sau 3 ngày, thương tổn tiến triển thành mụn nước, bọng nước nông, dễ vỡ, khi vỡ để lại các vết trợt.

Người bệnh lở loét, hoại tử khắp người do tự dùng thuốc nam chữa bệnh - Ảnh 1

Thương tổn da hoại tử thượng bì lan rộng ở thân mình, để lại các vết trợt; thương tổn dát đỏ, bọng nước lan tỏa ở hai chi dưới của bệnh nhân. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Theo thời gian, các thương tổn có tính chất tương tự xuất hiện thêm ở lòng bàn chân hai bên, thân mình, tay, chân, hoại tử da lan rộng, các niêm mạc không có thương tổn. Bệnh nhân đau rát nhiều. Lúc nhập viện khám thấy bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được, sốt cao, thay đổi mạch, huyết áp. Xét nghiệm có tăng nhẹ men gan, rối loạn chức năng gan.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (Hội chứng Lyell) và điều trị tích cực tại khoa, dùng các thuốc đặc hiệu (cyclosporin A) kèm chăm sóc hỗ trợ. Sau 10 ngày điều trị, thương tổn da khô, bắt đầu tái tạo thượng bì, không có bọng nước mới.

Theo thông tin từ VnExpress trước đó, một bệnh nhân nam 45 tuổi tại Cao Bằng có cơ địa dị ứng, viêm gan B bị lở loét toàn thân sau khi tự dùng thuốc chữa dị ứng tại nhà.

15 ngày trước đó, anh bị dị ứng, tự mua thuốc về điều trị nhưng tình trạng không đỡ. Vài ngày sau, vết lở loét trên người lan rộng ở khắp người, đặc biệt là lưng, tay và chân. Vết loét to, phồng rộp, màu đậm, gây đau, ngứa, rát khó chịu. Lúc này, anh mới đến đến Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng kiểm tra trong tình trạng da toàn thân lở loét từng mảng.

Người bệnh lở loét, hoại tử khắp người do tự dùng thuốc nam chữa bệnh - Ảnh 2
Những bệnh nhân điều trị tổn thương da nghiêm trọng. Ảnh: CAND

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm độc toàn thân, dị ứng thuốc, theo dõi hoại tử da. Người bệnh không mang theo thuốc đã dùng và không nhớ sử dụng loại nào.

Theo TS.BS Trần Thị Huyền - Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống, Hội chứng Stevens-Johnson (Stevens-Johnson syndrome, SJS) và hoại tử thượng bì nhiễm độc (toxic epidermal necrolysis, TEN) là những phản ứng nặng, thường do thuốc, có biểu hiện ở da, niêm mạc, tuy ít gặp nhưng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh. Tần suất của bệnh trong dân số chỉ khoảng 2/1.000.000 người nhưng tỷ lệ tử vong rất cao, có thể tới 30%.

Theo các nghiên cứu trên thế giới, các thuốc hay gây SJS/TEN nhất là carbamazepin và các dẫn xuất (chống co giật), allopurinol (hạ acid uric máu), kháng sinh nhóm sulfamid, các thuốc kháng virus (như abacavir). Tuy nhiên, tại Việt Nam, một số nghiên cứu ở Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy, thuốc đông y và thuốc nam không rõ nguồn gốc cũng là những căn nguyên hàng đầu gây SJS/TEN.

Các bác sĩ khuyến cáo, để đề phòng dị ứng thuốc thể nặng, người dân không nên tự ý mua các thuốc về dùng, không nên sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần. Việc dùng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ đế tránh những tác hại không mong muốn.

 

Nóng: Ngày 27/4, ca mắc COVID-19 tăng lên 2.958, cao nhất trong hơn 6 tháng qua

Ca mắc COVID-19 tăng lên 2.958, cao nhất trong hơn 6 tháng qua.

TIN MỚI NHẤT