Mẹ bầu sốt xuất huyết ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Tin y tế 02/05/2022 17:59

Sốt xuất huyết nặng có thể gây sốc, trụy tim mạch, tổn thương đa cơ quan. Phụ nữ mang thai mắc bệnh còn đối mặt với nguy cơ sẩy thai, sinh non thậm chí băng huyết sau sinh.

Sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?

Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng cho rằng, sốt xuất huyết tưởng chừng như là một bệnh lý bình thường, ít gây nguy hiểm nhưng thật sự nó có thể lây lan thành dịch, nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ gây tử vong.

Nếu trong 2 - 7 ngày đầu sau khi bị bệnh, bệnh nhân không được chữa trị kịp thời bệnh sẽ diễn biến nặng với các biểu hiện như: Nhiệt độ bắt đầu giảm xuống còn 37.5 - 38 độ C, có khi còn 36 độ C. Tăng tính thấm thành mạch xuất hiện đồng thời với tăng Hematocrit.

Số lượng bạch cầu bắt đầu giảm, tiếp đó là tiểu cầu và huyết tương. Thoát huyết tương được biểu hiện lâm sàng dưới các hiện tượng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, HCT và Albumin máu giảm, có biểu hiện sốc như mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, lạnh chi, nổi vân tím, thiểu niệu.

Mẹ bầu sốt xuất huyết ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào? - Ảnh 1
Sốt xuất huyết có thể gây tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Bình, bệnh nhân có thể gặp các biểu hiện xuất huyết: Xuất huyết trên da (xuất huyết dạng đầu đinh ghim trên nền da xung huyết, bầm tím nơi tiêm, lấy máu); xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng); xuất huyết nội tạng (xuất huyết đường tiêu hoá, xuất huyết não, chảy máu phổi, chảy máu trong cơ). Ngoài ra, còn có thể có các biểu hiện như suy hô hấp, rối loạn chức năng gan, rối loạn nhịp tim, rối loạn tri giác,...

Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 type gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính tương đối với từng type cho nên người bệnh có thể bị tái nhiễm sốt xuất huyết nhiều lần bởi những type khác nhau.

Sốt xuất huyết ảnh hưởng đến mẹ bầu và thai nhi thế nào?

Vị bác sĩ này cho biết, hiện nay không có chỉ định sản phụ mắc sốt xuất huyết phải bỏ thai, nhiều sản phụ khi mắc bệnh, điều trị xong vẫn sinh con bình thường mà không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ các nguy cơ nguy hiểm đến cả mẹ và thai nhi như:

- Giảm tiểu cầu: có thể đe dọa đến tính mạng cho cả mẹ và con. Ngoài ra, giảm tiểu cầu mức độ nặng có thể dẫn đến một số biến chứng khi sử dụng những kỹ thuật y khoa giúp bà bầu đẻ không đau trong quá trình sinh.

- Sinh non, em bé nhẹ cân: Sốt xuất huyết nguy cơ sinh non, em bé sinh ra nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong nếu thai phụ bệnh nặng huyết khi mang thai, đặc biệt là trong tháng thứ hai và ba có khả năng làm tăng nguy cơ sinh non, em bé sinh ra nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong nếu thai phụ bệnh nặng.

- Sảy thai: Khi thai phụ bị sốt xuất huyết trong ba tháng đầu sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai.

Mẹ bầu sốt xuất huyết ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào? - Ảnh 2
Hiện nay không có chỉ định sản phụ mắc sốt xuất huyết phải bỏ thai (Ảnh minh họa)

Nguy cơ thai phụ truyền bệnh sốt xuất huyết cho con trong 3 tháng đầu của thai kỳ là rất thấp, chỉ xảy ra nếu thai phụ bị bệnh vào giai đoạn cuối thai kỳ. Tuy nhiên, khả năng thai nhi mắc phải virus này là khá thấp. Cho đến nay, khả năng bệnh sốt xuất huyết gây ra dị tật cho trẻ chưa được khẳng định chắc chắn.

Sản phụ sốt xuất huyết cần làm gì?

Bác sĩ Trương Nghĩa Bình chia sẻ, khi thấy các dấu hiệu của sốt xuất huyết như ho sốt hay viêm đường hô hấp, rất có thể sản phụ đã sốt xuất huyết. Trong trường hợp này, các mẹ cần bình tĩnh, đến gặp bác sĩ để đưa ra phương pháp chữa bệnh phù hợp tránh ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.

Nếu thai phụ trong giai đoạn đầu sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ hướng dẫn theo dõi và uống oresol. Nếu thai phụ ở ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, xuất hiện các hiện tượng xuất huyết, tiểu cầu giảm hay tổn thương gan, thận thì cần nhập viện chăm sóc và điều trị.

Thời điểm này, thai phụ sẽ được truyền dịch để giảm cô đặc máu, theo dõi truyền khối tiểu cầu nếu có chỉ định từ bác sĩ, được bồi phụ nước và điện giải, đo mạch, huyết áp cùng sự chăm sóc của các nhân viên y tế tại bệnh viện.

Song song với quá trình điều trị, các thai phụ cần chú ý:

- Hạn chế tiếp xúc với nước lạnh và tránh đi gió cũng như sự lây nhiễm lan rộng.

- Thực hiện chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung các vi chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng theo chỉ dẫn bác sĩ.

- Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc nếu không có sự đồng ý của bác sĩ bởi điều ấy khiến bệnh nặng thêm, đồng thời ảnh hưởng đến thai nhi.

Mẹ bầu sốt xuất huyết ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào? - Ảnh 3
Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi,... (Ảnh minh họa)

Các biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết cho thai phụ

Bác sĩ Bình khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại,...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá,..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

- Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa.

Phòng chống muỗi đốt bằng cách:

- Mặc quần áo dài tay.

- Ngủ trong màn kể cả ban ngày.

- Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi,...

- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

Có 203 triệu chứng hậu Covid-19, người dân nên đi khám khi nào?

Bộ Y tế cho biết, có tới 203 triệu chứng hậu Covid-19 khác nhau. Tuy nhiên, người dân phải hiểu biết về các triệu chứng để tránh đi khám và điều trị không cần thiết.

TIN MỚI NHẤT