Mới đây,, Bộ Y tế đã có hướng dẫn các bậc phụ huynh cách nhận biết, chăm sóc và điều trị Covid-19 cho trẻ.
- TP.HCM cấp phát thuốc Molnupiravir cho người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19
- Nam sinh lớp 11 tiêm hai mũi vaccine Pfizer chỉ cách nhau 10 phút
Theo chia sẻ từ Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, số lượng trẻ em bị nhiễm COVID-19 có chiều hướng tăng lên khiến phụ huynh vô cùng hoang mang lo lắng. Vì vậy, Bộ Y tế đã đưa ra các hướng dẫn để giúp nhận biết, theo dõi, chăm sóc và điều trị COVID-19 cho trẻ nhỏ.
Khi nào nghi ngờ trẻ bị nhiễm Covid -19?
Trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (sốt và có ít nhất một triệu chứng của bệnh đường hô hấp: Ho, đau họng, khó thở…) và có một trong những điều kiện sau:
+ Tiền sử ở/đi/đến/qua vùng dịch tễ (là những vùng có ghi nhận ca Covid-19 mắc Covid-19, hoặc nơi có ổ dịch đang hoạt động) trong thời gian 14 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.
+ Tiền sử tiếp xúc với ca bệnh Covid-19 hoặc tiền sử tiếp xúc gần với các trường hợp nghi ngờ/hoặc ca bệnh trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng. Cụ thể: Tiếp xúc tại các cơ sở y tế (tiếp xúc với nhân viên y tế mắc Covid-19. Tới thăm người bệnh hoặc ở cùng phòng bệnh có người bệnh mắc Covid-19).
+ Tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách nhỏ hơn hoặc bằng 2 mét với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19 trong thời kỳ mắc bệnh.
+ Sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19 trong thời kỳ mắc bệnh.
+ Cùng lớp học (nhà trẻ, trường học…) với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh. Hoặc cùng nhóm đi du lịch, vui chơi, với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.
Khi nào xác nhận trẻ bị nhiễm Covid-19?
Là tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ và có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time RT-PCR.
Trẻ nhiễm Covid-19 có biểu hiện ra sao?
Khi nhiễm virus SARS-CoV-2, thời gian ủ bệnh từ 2 - 14 ngày, trung bình là 4 - 5 ngày. Khởi phát bệnh, trẻ có một hay nhiều triệu chứng như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi. Mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ... Song, khá nhiều trẻ không có triệu chứng.
Ngoài ra, có các triệu chứng ít gặp như: Tổn thương da (hồng ban các đầu ngón chi, nổi ban da…); rối loạn nhịp tim; tổn thương thận cấp; viêm thanh mạc (tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim); gan to, viêm gan; bệnh não (co giật, hôn mê hoặc viêm não).
Hầu hết, trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi; hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1-2 tuần.
Chỉ khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh. Trong đó một số trẻ (khoảng 0,7%) cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng như: Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, và hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Các yếu tố tiên lượng nặng: Trẻ béo phì, trẻ chậm phát triển, bại não, bệnh phổi mạn, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, tim bẩm sinh… Tỷ lệ tử vong ở trẻ rất thấp (dưới 0,1%), hầu hết tử vong do bệnh nền.
Trong giai đoạn từ ngày thứ 7-10 ngày, nếu không có các biến chứng nặng trẻ sẽ hết dần các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh.
Cách điều trị Covid-19 cho trẻ như thế nào?
Trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2, không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ có thể được điều trị tại nhà. Song, từ mức độ trưng bình trở lên cần nhập viện điều trị.
+ Điều trị Covid-19 mức độ nhẹ, không dùng thuốc: Nằm phòng cách ly, hoặc theo hướng dẫn cách ly tại nhà của Bộ Y tế. Áp dụng phòng ngừa chuẩn, đeo khẩu trang với trẻ từ 2 tuổi trở lên. Cho trẻ uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải oresol.
+ Đảm bảo dinh dưỡng: Cho bú mẹ đầy đủ (nếu trẻ còn bú mẹ), ăn đầy đủ các dinh dưỡng bổ sung (nếu trẻ đã ăn dặm). Người chăm sóc trẻ cần chú ý vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng cho trẻ. Nếu là trẻ lớn, hướng dẫn trẻ tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày.
+ Theo dõi trẻ: Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt. Đo SpO2 (nếu có) tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở. Khai báo y tế hàng ngày (qua điện thoại hoặc phần mềm qui định).
+ Báo với nhân viên y tế khi có triệu chứng bất thường: Sốt trê 38 độ C. Trẻ lớn đã biết kêu tức ngực, trẻ nhỏ hơn thì người chăm sóc thấy trẻ quấy khóc hoặc các biểu hiện khác thường của trẻ. Trẻ kêu đau rát họng, ho.
+ Trẻ cảm giác khó thở hoặc người lớn quan sát và nhận thấy trẻ khó thở. Trẻ bị tiêu chảy. Đo SpO2 dưới 96%. Trẻ mệt, không chịu chơi. Trẻ ăn hay bú kém.
Điều trị bằng thuốc: Kháng thể kháng virus: Chỉ dùng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, cân nặng từ 40kg trở lên và có yếu tố nguy cơ cao diễn biến nặng (trẻ có mắc bệnh nền và không có chống chỉ định dùng thuốc). Trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ/trung bình chưa phải hỗ trợ oxy và thời gian bị bệnh dưới 10 ngày và được sự đồng ý của người giám hộ. Thuốc chỉ sử dụng trong bệnh viện.
Thuốc casirivimab liều 600mg + imdevimab liều 600mg. Dùng liều duy nhất.
Điều trị hỗ trợ: Dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ từ 38.5 độ C, dùng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần mỗi 6 giờ. Thuốc điều trị ho, ưu tiên dùng thuốc ho thảo dược. Có thể dùng vitamin tổng hợp và khoáng chất. Điều trị bệnh nền theo phác đồ nếu có.
Dinh dưỡng cho trẻ mắc Covid-19 nhẹ và vừa, không cần thở oxy: Nếu trẻ chỉ ăn lượng ăn dưới 70% nhu cầu, bổ sung công thức năng lượng cao 0,75-0,8kcal/ml (trẻ < 12 tháng) và 1-1,2 kcal/ml (trẻ > 12 tháng).
Trẻ trên 2 tuổi cần tiêu thụ 500ml sữa công thức/ngày.
Với trẻ không bú mẹ, lượng sữa công thức được tính như sau: Trẻ 8 tuần tuổi: tiêu thụ 800ml sữa/ngày. Trẻ dưới 8 tuần: số ml sữa = 800 - 50 x (8 - n); n là số tuần tuổi của trẻ.
Trẻ trên 2 tháng: số ml sữa = 800 + 50 x (n –2); n là số tháng tuổi của trẻ.
Cung cấp đủ nước đặc biệt nước trái cây tươi nhiều vitamin (với trẻ đã lớn, ăn dặm).