Bị sốt xuất huyết nhưng nhiều bệnh nhân chủ quan không đi thăm khám, dẫn đến bị xuất huyết nội sọ nặng, nguy cơ tử vong cao.
- 3 thói quen khi chế biến thực phẩm dễ khiến thực phẩm nhiễm khuẩn Salmonella
- Viêm kết mạc do Adenovirus nguy hiểm thế nào, trẻ có dấu hiệu này cha mẹ cần đưa đi khám ngay
Sốt xuất huyết gây xuất huyết nội sọ
Gần đây, khoa Hồi sức Thần kinh - Viện Thần kinh - BV Trung ương Quân đội 108 liên tiếp tiếp nhận các bệnh nhân có tình trạng xuất huyết nội sọ nặng trên nền người bệnh bị sốt xuất huyết.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam, 59 tuổi, bệnh nhân bị sốt 39 độ C khoảng ba ngày trước đó, không điều trị gì.Tùy chỉnh tiêu đề nổi bật trang chủ
Sau đó, người nhà phát hiện bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, thở khò khè tụt lưỡi, được cấp cứu tại BV Trung ương Quân đội 108 giờ thứ 2 trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử hai bên giãn tối đa, chụp CT sọ não có hình ảnh máu tụ dưới màng cứng bán cầu phải, đè đẩy não thất và đường giữa độ III.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết tiểu cầu thấp 12 G/L, không đảm bảo an toàn cho cuộc mổ, nguy cơ chảy máu cao, bệnh nhân được hồi sức tích cực, truyền khối tiểu cầu cấp cứu, hội chẩn liên khoa quyết định phẫu thuật khi số lượng tiểu cầu tăng lên đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật.
Nhiều người bị sốt xuất huyết gặp phải biến chứng xuất huyết nội sọ nguy hiểm. Ảnh minh họa
Một trường hợp nguy hiểm khác là bệnh nhân nam, 67 tuổi. Được biết, hai ngày trước khi vào viện, bệnh nhân sốt cao 39,5 độ C, không điều trị gì.
Người nhà phát hiện bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, tiểu dầm, được đưa đi cấp cứu tại BV Trung ương Quân đội 108 giờ thứ 3 trong tình trạng hôn mê Glasgow 5 điểm, đồng tử mắt phải giãn 5mm, chụp CT sọ não có hình ảnh có hình ảnh máu tụ dưới màng cứng bán cầu phải, đè đẩy não thất và đường giữa độ III.
Kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết Dengue cho kết quả dương tính, tiểu cầu 31 G/L, không có khả năng phẫu thuật, bệnh nhân được truyền khối tiểu cầu tách máy, hồi sức tích cực, tuy nhiên diễn biến lâm sàng tiến triển nặng lên nhanh, hôn mê sâu, giãn đồng tử tối đa hai bên, huyết áp tụt, không còn chỉ định can thiệp ngoại khoa, tiên lượng nặng.
Đáng nói là, hầu hết những người bệnh này và gia đình chủ quan không đi khám bệnh kiểm tra, đến khi vào viện thì bị xuất huyết nội sọ đồng thời có sốt Dengue, với tình trạng rối loạn đông máu nặng chỉ số tiểu cầu giảm thấp thường dưới 70G/l.
Hầu hết các bệnh nhân này đều có diễn biến nặng, thậm chí tử vong, vì không can thiệp được ngoại khoa ngay, hoặc có can thiệp được ngoại khoa thì bệnh nhân có tình trạng chảy máu tiếp diễn, diễn biến bệnh trầm trọng hơn.
Cần làm gì khi bị sốt xuất huyết?
Theo TS.BS Lê Đình Toàn, Chủ nhiệm khoa Hồi sức Thần kinh, BV Trung ương Quân đội 108, sốt xuất huyết là bệnh lý nguy hiểm với biến chứng xuất huyết nội tạng đặc biệt là xuất huyết nội sọ, có hay không kết hợp với một chấn thương nhẹ.
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết Dengue đang vào mùa, triệu chứng dễ nhầm với một số sốt virus thông thường, khiến người bệnh chủ quan không đi kiểm tra thường xuyên.
Bệnh diễn biến nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như chảy máu não. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, tất cả các bệnh nhân khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Đồng thời cần phải đến khám lại định kỳ theo hẹn của bác sĩ để theo dõi, đặc biệt là những trường hợp giảm tiểu cầu nghiêm trọng, tránh để bệnh diễn biến nặng lên, ảnh hưởng đến chỉ định, thời gian can thiệp ngoại khoa ở những bệnh nhân có biến chứng nguy hiểm như chảy máu não, chảy máu nội tạng.
6 điều cần làm để phòng bệnh sốt xuất huyết
1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.