Bị sỏi từ ná cao su bắn vào mắt, bé 11 tuổi vỡ thuỷ tinh thể, có nguy cơ mù loà

Tin y tế 01/10/2023 10:48

Bé trai này vỡ thủy tinh thể do lực tác động mạnh của viên sỏi bắn trực tiếp vào mắt, phẫu thuật lấy phần bị vỡ. Sau khi mắt ổn định sẽ thay thủy tinh thể mới, giúp hồi phục phần nào thị lực.

Theo thông tin từ VnExpress, bé trai 11 tuổi nghịch chiếc ná cao su, bị viên sỏi bắn trực tiếp vào mắt trái vỡ thủy tinh thể.

Sau tai nạn, mắt không chảy máu, bé không về nhà ngay. Vài giờ sau, mắt trái mờ dần đến khi không nhìn thấy gì, bé mới về nhà báo với người thân. Bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khám phát hiện mắt trái của trẻ bị vỡ thủy tinh thể, phải phẫu thuật thay mới nếu không sẽ bị mù.

Ngày 1/10. ThS.BS Mai Thị Anh Thư, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết chấn thương đụng dập nhãn cầu thường không gây chảy máu ra ngoài nhưng có thể xuất huyết nội nhãn, tổn thương thể thủy tinh cũng như các cấu trúc khác của mắt, làm giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn. Vì vậy, bệnh nhân cần phải được theo dõi và tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường sau chấn thương va đập.

"Bé trai này vỡ thủy tinh thể do lực tác động mạnh của viên sỏi bắn trực tiếp vào mắt, phẫu thuật lấy phần bị vỡ. Sau khi mắt ổn định sẽ thay thủy tinh thể mới, giúp hồi phục phần nào thị lực", bác sĩ Thư nói.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải kiểm tra mắt định kỳ đề phòng những biến chứng có thể xảy ra như phản ứng viêm sau mổ, hở vết mổ, lệch thể thủy tinh nhân tạo.

Bị sỏi từ ná cao su bắn vào mắt, bé 11 tuổi vỡ thuỷ tinh thể, có nguy cơ mù loà - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Dẫn tin từ báo Phụ nữ Việt Nam, Ths. bác sĩ Mai Thị Anh Thư, Trưởng khoa khám bệnh cho biết, vỡ thuỷ tinh thể là tai nạn mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải trong quá trình lao động, sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân có thể là do mảnh kim loại, hạt thóc, đá dăm, mảnh gỗ hay là các vật sắc nhọn như đũa, kéo… đập vào mắt làm thủng nhãn cầu gây vỡ thuỷ tinh thể, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Chấn thương ở mắt như vỡ thuỷ tinh thể là nguyên nhân thứ 3 có thể gây ra mù loà vĩnh viễn chỉ sau đục thuỷ tinh thể và glocom.

Để đề phòng các chấn thương về mắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Ths. bác sĩ Anh Thư khuyến cáo mọi người nên chú ý bảo vệ mắt trong các hoạt động lao động, sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, do các bé chưa ý thức được những nguy hiểm có thể xảy ra nên người lớn phải hết sức lưu ý, không để trẻ chơi các món đồ sắc nhọn, không vừa cầm đồ chơi vừa chạy sẽ rất nguy hiểm, có thể là nguyên nhân dẫn đến sát thương.

Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể cảm thấy ngứa và hơi khó chịu sau vài ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên chà xát hoặc day, dụi mắt. Cần phải vệ sinh mắt sạch sẽ và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Có thể sử dụng băng che mắt trong vài ngày đầu sau phẫu thuật và tái khám định kì theo lịch hẹn. Cần thông báo ngay với bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường như giảm thị lực, đau mắt kéo dài mặc dù đã dùng thuốc giảm đau, đỏ mắt, xuất hiện nhiều đốm đen trước mắt, buồn nôn, nôn hoặc ho nhiều… Mắt có thể hoàn toàn hồi phục trong vòng 8 tuần - bác sĩ  Thư lưu ý.

Cảnh báo biến chứng bệnh bạch hầu

Bạch hầu là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể làm bệnh nhân tử vong trong vòng 6 – 10 ngày. Vậy cần phải làm gì để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này?

TIN MỚI NHẤT