Bé 2 tháng tuổi thóp căng phồng, tổn thương não vì bố mẹ bế đung đưa để dỗ do hay quấy khóc

Tin y tế 19/03/2024 09:30

Bé 2 tháng tuổi được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng li bì, ngừng thở, co giật.

Theo thông tin từ VietNamNet, mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận cấp cứu trường hợp trẻ trong tình trạng tăng trương lực cơ liên tục, tím môi, thóp trước căng phồng, co giật, có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ, nguy cơ tử vong cao.

Gia đình cho biết trước đó, trẻ không bị té ngã, chấn thương, chưa từng co giật. Bệnh nhi được chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não, soi đáy mắt, kết quả cho thấy trẻ tụ máu dưới nhện lều tiểu não hai bên và liềm đại não, phù não lan tỏa các bán cầu não 2 bên, kèm xuất huyết võng mạc..., nghi do hội chứng rung lắc.

Trẻ được chuyển đến khoa Điều trị tích cực nội khoa, được thở máy, cắt cơn co giật và điều trị tăng áp lực nội sọ, sử dụng nhiều thuốc khác.

Sau 7 ngày điều trị, trẻ cai được máy thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định tuy nhiên vẫn còn di chứng tăng trương lực cơ, giảm ý thức, nguy cơ cao để lại di chứng thần kinh lâu dài. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển não bộ, tương tác xã hội của trẻ.

Bé 2 tháng tuổi thóp căng phồng, tổn thương não vì bố mẹ bế đung đưa để dỗ do hay quấy khóc - Ảnh 1
 Em bé 2 tháng tuổi bị tổn thương thần kinh do thói quen bế con đung đưa của gia đình - Ảnh: VietNamNet

Dẫn tin từ Dân Trí, ThS.BS Ngô Tiến Đông, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chấn thương não nghiêm trọng xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có nguy cơ xảy ra khi bị rung lắc mạnh. Hội chứng này xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn từ 2 - 4 tháng tuổi, bởi đó là thời điểm trẻ có xu hướng quấy khóc thường xuyên và kéo dài. Tuy nhiên, trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng.

Theo thống kê của Trung tâm quốc gia về Hội chứng rung lắc trẻ em tại Mỹ ước tính: Ở Mỹ có 1000-1300 trường hợp được ghi nhận mỗi năm. Trong các trường hợp ghi nhận được, 1/4 số trẻ tử vong, 80% trẻ sống sót bị tổn thương vĩnh viễn như bại não, liệt, mất thị lực, thiểu năng trí tuệ, động kinh.

"Các thói quen bế con rung lắc để dỗ trẻ khóc, thói quen đưa võng, lắc nôi ru trẻ ngủ, hoặc những động tác làm thay đổi đột ngột tư thế như bế trẻ lên cao, bế thốc dậy, tung cao trẻ… rất nguy hiểm. Trẻ có thể gặp nguy hiểm dù chỉ với 5 giây rung lắc", BS Đông cảnh báo.

Theo các chuyên gia, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trọng lượng đầu chiếm khoảng 10 - 15% trọng lượng cơ thể. Ở độ tuổi này, trẻ có cơ cổ rất yếu không đủ sức nâng đỡ đầu vốn có kích thước tương đối lớn, não bộ chưa phát triển nhiều, nằm "trôi nổi" trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh.

Rung lắc mạnh, gây ra sự tăng - giảm tốc nhanh chóng của não, tác động va đập vào bề mặt cứng bên trong hộp sọ, làm tổn thương não và các mạch máu não, phù não và tăng áp lực nội sọ.

Theo BS Đông, có thể còn nhiều trường hợp khác trẻ bị tổn thương do Hội chứng rung lắc mà chúng ta bỏ sót. "Có nhiều trẻ chỉ biểu hiện quấy khóc, li bì 1-2 ngày rồi vẫn ăn ngủ bình thường, gia đình sẽ bỏ qua giai đoạn đó. Sau này lớn lên, trẻ mới dần có biểu hiện của bại não, thị lực kém, chậm phát triển, lúc đó rất khó biết được căn nguyên và cũng rất muộn để có thể can thiệp, điều trị được", BS Đông nói.

Các biểu hiện của hội chứng rung lắc rất đa dạng và thường khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.

Thời gian khởi phát có thể là ngay sau khi rung lắc hoặc sau một khoảng thời gian: trẻ quấy khóc, nôn nhiều, bú kém, nhịp thở bất thường, lì bì, co giật, hoặc hôn mê.

Trong một số trường hợp Hội chứng rung lắc nhẹ, trẻ có thể không biểu hiện triệu chứng ngay, nhưng một thời gian sau có thể gặp phải những vấn đề liên quan đến chậm phát triển tinh thần vận động.

BS Đông khuyến cáo, để phòng hội chứng rung lắc, cha mẹ cần lưu ý:

- Tuyệt đối không thực hiện những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như: rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ; bế thốc ngược; xốc vác trẻ gấp gáp; tung hứng trẻ khi nô đùa; tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.

- Tuyệt đối không tung hứng trẻ lên cao khi nô đùa để tránh gây những hậu quả đáng tiếc.

Khi trẻ có dấu hiệu của hội chứng này, ngay lập tức gọi cấp cứu, hạn chế bế xốc hay rung lắc thêm để gọi trẻ tỉnh lại, không cho trẻ ăn hoặc uống nước trước khi có cấp cứu hỗ trợ.

Nếu trẻ ngừng thở, phụ huynh cần chủ động thực hiện hô hấp nhân tạo. Trong một số trường hợp, trẻ có thể bị nôn trớ, để tránh bị sặc, hãy nhẹ nhàng đặt nghiêng đầu và người trẻ theo một trục đồng nhất (nếu có chấn thương cột sống, phương pháp này sẽ giúp giảm nguy cơ tổn thương thêm).

Từ đầu năm tới nay, số ca ho gà ở Hà Nội gấp 15 lần năm 2023

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 17 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca và năm 2022 không có ca bệnh.

TIN MỚI NHẤT