Người phụ nữ 40 tuổi đã bị nhiễm vi khuẩn từ cá rô phi chưa nấu chín.
- Bé gái 5 tuổi quấy khóc, đau họng, gia đình đưa đi viện thì tá hoả phát hiện đồng xu kẹt trong thực quản
- Dịch đau mắt đỏ đang lây lan, đeo kính mắt có phòng ngừa được bệnh?
Theo Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ báo chí địa phương, bà Laura Barajas, 40 tuổi, ngụ San Jose (California, Mỹ), đã bị nhiễm vi khuẩn từ cá rô phi chưa nấu chín.
Sau nhiều tháng giúp bà chiến đấu với căn bệnh nhiễm trùng máu khủng khiếp, giữa tuần này các bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt cụt tứ chi Barajas để cứu mạng bà. Hiện bà còn một cậu con trai 6 tuổi.
Bà Barajas đã đổ bệnh vào những ngày cuối tháng 7 sau khi ăn món cá rô phi mà bà mua ở khu chợ địa phương và tự làm ở nhà.
Anna Messina, bạn của Barajas, cho biết: “Cô ấy bị hôn mê. Các ngón tay, bàn chân và môi cô đều chuyển sang màu đen. Cô ấy bị nhiễm trùng máu hoàn toàn và thận của cô ấy đã bị suy”.
Messina đã phát động chiến dịch GoFundMe để hỗ trợ chi phí y tế cho gia đình Barajas và giúp bạn mình điều chỉnh cuộc sống mới. Bước đầu chiến dịch đã quyên góp được hơn 24.000 USD.
Các bác sĩ cho biết Barajas bị nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus. Đây là một loại vi khuẩn mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) gần đây đã đưa ra cảnh báo.
Theo CDC, hiện nay có 12 loài Vibrio gây bệnh cho người, trong đó có khoảng 100 ca tử vong ở Mỹ mỗi năm, với 80.000 trường hợp nhiễm bệnh. Trong số đó, có khoảng 52.000 người bị bệnh do ăn hải sản bị ô nhiễm.
CDC cũng thông tin nhiều người bị nhiễm trùng vết thương do Vibrio vulnificus cần được chăm sóc đặc biệt hoặc cắt cụt chi và khoảng 20% tử vong.
Vibrio vulnificus thường sống ký sinh trong các loài thủy sinh có vỏ như tôm, hàu... Ở các vùng nước ấm như ven biển, cửa sông và ao, hồ nước lợ, chúng sinh trưởng tốt khi nhiệt độ nước đạt trên 20°C.
Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học California tại San Francisco (UCSF), tiến sĩ Natasha Spottiswoode, vi khuẩn này đặc biệt đáng lo ngại đối với những người bị suy giảm miễn dịch. Do đó mọi người nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Nếu đang có vết thương hở, cần tránh ngâm trong nước cho đến khi vết thương đã lành.
Dẫn nguồn từ VTC News, cá rô phi dễ sinh sản, có thể phát triển trong môi trường nước kém chất lượng. Chúng là loài cá ăn tạp, thích lượn lách, sống ở các cống thoát nước thải.
Thói quen và môi trường sống của cá rô phi khiến chúng ít nhiều cũng bị nhiễm khuẩn ở mức độ nhất định. Khi mổ bụng cá, bạn sẽ thấy một lớp màng đen, lớp màng đó chứa rất nhiều vi khuẩn và chất độc hại.
Thường xuyên ăn cá rô phi trong thời gian dài, những chất ô nhiễm được cơ thể hấp thụ quá nhiều sẽ không kịp thanh lọc bài tiết, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn tránh ăn cá rô phi hoàn toàn. Vì cá rô phi là nguồn cung cấp omega-3, các loại vitamin, khoáng chất dồi dào.
Tốt nhất, nếu muốn ăn cá rô phi, bạn nên chọn loại cá được đánh bắt trong môi trường không ô nhiễm hoặc ăn cá được nuôi ở môi trường đảm bảo vệ sinh nguồn nước.