Vi khuẩn Salmonella có thể gây tổn thương niêm mạc ruột, có thể gây thủng ruột, gây nhiễm độc toàn thân, trường hợp nặng có thể bị viêm cơ tim, viêm não dẫn đến tử vong.
- Loại vi khuẩn trong vụ ngộ độc của 600 trẻ ở trường Ischool Nha Trang
- Hà Nội: Gần 1.400 ca mắc 1 tuần, thêm 2 người qua đời do sốt xuất huyết
Vi khuẩn Salmonella là một giống vi khuẩn hình que, các chủng vi khuẩn Salmonella gây ra các bệnh như thương hàn (do Salmonella typhi), phó thương hàn, nhiễm trùng máu (do Salmonella choleraesuis) và ngộ độc thực phẩm (Salmonellosis).
Vi khuẩn Salmonella có trong những thực phẩm nào?
Vi khuẩn Salmonella có thể lây bằng đường tiêu hóa, khi ăn các thức ăn có nguồn gốc động vật nhiễm Salmonella như:
- Thịt (đặc biệt thịt tái, sống)
- Sữa tươi (chưa tiệt trùng)
- Trứng (gà, vịt)
- Cua, trai, sò, hến nấu chưa chín…;
- Rau sống, hoa quả, nuớc uống bị nhiễm Salmonella, thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn.
Do vậy, mọi người nên tránh ăn những loại thịt gia súc, gia cầm hay trứng sống hoặc chưa được nấu chín, các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng.
Quá trình nấu thức ăn chín kỹ có thể tiêu diệt Salmonella. Mặc dù việc rửa rau quả là hết sức cần thiết trước khi chế biến, nhưng hầu như quá trình này không thể loại bỏ được vi khuẩn Salmonella, nhất là trong giai đoạn có dịch bệnh - do vậy, nên vứt bỏ những thực phẩm mà thấy nghi ngờ về độ an toàn.
Ai dễ nhiễm khuẩn?
PGS.TS Trịnh Thị Xuân Hoà – Bộ môn Truyền nhiễm (Học viện Quân y 103) cho hay tất cả mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh, hay gặp ở trẻ nhỏ, người già có sức đề kháng yếu.
- Những người không có axid dạ dày do cắt dạ dày hoặc dạ dày thiểu toan thường dễ mắc bệnh.
- Những người bị suy giảm miễn dịch (do bẩm sinh hoặc do những bệnh ở đường tiêu hóa như ung thư, viêm đại trực tràng xuất huyết, xơ gan… ) dễ mắc các thể nặng như: Nhiễm khuẩn huyết, ổ mủ ở các phủ tạng…
Để đề phòng nhiễm khuẩn Salmonella, cần đảm bảo tuyệt đối về an toàn thực phẩm như ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay trước và sau khi chế biến thực phẩm. Để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn, nên để thịt sống, trái cây chưa rửa sạch cách xa các thực phẩm đã nấu chín.
Để phòng tránh nhiễm khuẩn Salmonella, mọi người cần tuân thủ 10 nguyên tắc an toàn thực phẩm sau đây theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế:
- Chọn thực phẩm an toàn
- Nấu kỹ thức ăn
- Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín
- Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín
- Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn
- Không để lẫn thực phẩm sống và chín
- Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ
- Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ
- Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác
- Sử dụng nguồn nước sạch