Trước khi trở thành một nữ tiền vệ mạnh mẽ như hiện tại, Thanh Nhã đã có một đam mê “cháy bỏng” với trái bóng ngay từ khi còn rất nhỏ và được sự ủng hộ, động viên rất nhiều từ gia đình.
- HCV của Đội tuyển nữ Việt Nam tiếp thêm tinh thần cho U22 Việt Nam
- Đội tuyển nữ Việt Nam đội nón lá truyền thống, ăn mừng tấm HCV lịch sử lần thứ 4 liên tiếp
Đội tuyển nữ Việt Nam kết thúc SEA Games 32 với kết quả mỹ mãn khi có lần thứ 4 liên tiếp vô địch. Trước đó, trong trận chung kết diễn ra tối 15/5 giữa ĐT nữ Việt Nam và ĐT nữ Myanmar, tiền vệ Thanh Nhã đã để lại dấu ấn đậm nét bằng cú bứt tốc và sút xa tạo siêu phẩm cực đẹp nâng tỉ số lên 2-0.
Thân hình nhỏ nhắn, nữ tính nhưng trên sân cỏ lại mạnh mẽ như một chiến binh, Thanh Nhã ngay lập tức trở thành trung tâm của mạng xã hội. Được biết, để trở thành một nữ tiền vệ mạnh mẽ như hiện tại, Thanh Nhã có sự ủng hộ, động viên rất nhiều từ gia đình, đồng đội.
6 tháng tuổi chập chững biết đi
Thanh Nhã là con gái thứ 2 trong gia đình có 4 chị em, sinh ra ở ngôi làng có truyền thống dệt may thuộc xã Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội, cả gia đình không ai theo nghiệp thể thao.
Thế nhưng theo bà Vũ Thị Chi (47 tuổi) mẹ của Thanh Nhã chia sẻ, từ nhỏ nữ tiền vệ đã rất đặc biệt và nổi trội hơn nhiều đứa trẻ khác vì mới 6 tháng tuổi đã chập chững biết đi. Không thích chơi búp bê hay đồ hàng như những đứa trẻ cùng trang lứa, khi lên lớp 2, Thanh Nhã bắt đầu thích xem bóng đá trên tivi và các trận bóng đá ở làng đều muốn xem.
Khi mới là cô bé lớp 4, Nhã đã theo chị họ sang xã bên tập bóng. Mỗi chiều sau khi tan học, đứa trẻ vội dắt xe đạp, đặt quả bóng trong giỏ, rồi chở theo em trai 2 tuổi ra sân vận động "thách đấu". Thời gian đầu, bà Chi chiều lòng con gái, coi bóng đá như một cách rèn luyện sức khỏe.
Vì đam mê, sẵn sàng xa gia đình tự lập năm 13 tuổi
Khi Thanh Nhã lên lớp 7, cô gái nhỏ nhắn bộc lộ rõ khả năng đôi chân với bóng đá, người thầy ở xã bên đã dạy miễn phí cho con cùng các bạn nên chiều đến đi học về là Nhã lại trốn đi sang đó tập luyện.
Tại đây, Thanh Nhã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của "ông bầu" Dương Khắc Kiểm - người thành lập đội bóng sân làng tại xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín). 13 tuổi, Thanh Nhã đã xa gia đình đến trung tâm huấn luyện bóng đá chuyên nghiệp, bắt đầu cuộc sống tự lập ngay từ khi còn rất nhỏ.
Sợ con chấn thương, đen, xấu, muốn con lấy chồng năm 25 tuổi
Theo chia sẻ của mẹ Thanh Nhã, bạn đầu bà không đồng ý cho con theo bóng chuyên nghiệp. Thậm chí bà từng "giao chỉ tiêu" cho Thanh Nhã phải lấy chồng năm 25 tuổi.
Thế nhưng vì chiều theo lòng đam mê của con, mỗi lần đi học về con đều bỏ quả bóng lên giỏ xe rồi trốn đạp đi đá bóng cùng chị họ và các bạn… Dù lo nhưng gia đình Thanh Nhã vẫn cố gắng ủng hộ con theo ước mơ của mình.
Theo bà Chi, hồi đầu đưa con gái lên trung tâm luyện tập, vợ chồng bà Chi nhiều đêm mất ngủ vì nhớ, sau lại lo con gái phải tự lập sớm.
Chia sẻ với báo chí, Thanh Nhã cũng từng tâm sự thời gian đầu không được mẹ đồng ý: "Bố em đồng ý nhưng mẹ em và bà không thích vì con gái đi bóng đá sợ chấn thương, đen, xấu. Mẹ em với bà mới đầu không đồng ý nhưng bố cho đi thì em cứ đi thôi. Lúc đấy mẹ không cho đi nhưng bố em đèo lên đi thi. Chắc bố em cũng bảo mẹ nên sau này cả bố mẹ đều đồng ý".
Màn ghi bàn của Thanh Nhã không chỉ mang về chiến thắng cho Đội tuyển nữ Việt Nam kết thúc SEA Games 32 mà còn là trái ngọt sau nhiều năm khổ luyện vì đem mê, là niềm tự hào của gia đình. "Con gái ngày thường nhỏ nhẹ, dịu dàng, mà lên sân như một chiến binh, hễ bóng đến chân là bứt tốc", bà Chi tâm sự.