Cư dân dự án sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh mòn mỏi chờ sổ hồng

Thị trường 14/07/2019 12:02

Ở tuổi "gần đất xa trời", nhiều cư dân dự án Bemes CT6 lo không thể chờ tới ngày thấy cuốn sổ hồng để sang tên cho con cháu.

Cư dân dự án sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh mòn mỏi chờ sổ hồng - Ảnh 1

Toà chung cư CT6C tại dự án CT6 Xa La xây dựng không có giấy phép. Ảnh: M.C

Công an Hà Nội vừa khởi tố ông Lê Thanh Thản về tội lừa dối khách hàng theo điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015. Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị cáo buộc liên quan sai phạm tại Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes ở khu đô thị Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội).

Dự án này nằm cạnh đường 70, gồm 3 tòa CT6A, CT6B và CT6C, số toà đã tăng một tòa so với quy hoạch được duyệt. Theo thiết kế được quy hoạch, dự án CT6 Bemes có 936 căn hộ cao tầng và 34 biệt thự liền kề. Tuy nhiên, công ty do ông Thản làm đại diện pháp luật đã xây tổng cộng 1.590 căn hộ và 38 nhà liền kề. Tòa CT6C xây trái phép hiện có gần 450 căn hộ và tất cả đều có người ở. Phía dưới sảnh, nhiều hàng quán buôn bán tấp nập.

 Ông Hoàng Minh Tâm, tổ trưởng tổ dân phố chung cư CT6C Xa La - toà nhà được xây trong phần diện tích vốn được quy hoạch là khuôn viên cây xanh - cho biết, mua căn hộ 94 m2 từ năm 2012 với giá 10 triệu đồng mỗi m2 và chuyển về đây ở được 5 năm. Đến nay, đã cao tuổi nên ông muốn để lại ngôi nhà cho con cháu nhưng không có sổ hồng nên cũng không biết xử lý ra sao. 

"Chúng tôi là cán bộ về hưu mua để ở và khi sức khoẻ già yếu thì đều muốn sang tên hoặc bán lại để chia cho con cháu. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người còn không kịp chờ cuốn sổ đỏ mà đã qua đời trong khi chưa sang tên được cho con", ông Tâm chia sẻ. 

Việc chuyển nhượng các căn hộ cũng gặp không ít khó khăn vì tình trạng dự án xây sai phép, khó được cấp sổ hầu hết đều bị khách chê. Nhiều nhà khó khăn, muốn bán đi nhưng cuối cùng vẫn phải ở vì khách trả lỗ 200-300 triệu đồng so với giá mua, chưa kể số tiền hàng trăm triệu đã bỏ vào để làm nội thất. Do đó, theo ông, những gia đình có điều kiện thường chọn cách không bán mà để đó, cho thuê với giá 3 – 4,5 triệu đồng mỗi tháng.

Chị Hoa, một người dân sống tại dự án cho biết khi mua cư dân không biết tình trạng cấp phép của dự án như thế nào.

"Với những phần sai phạm của chủ đầu tư có chăng nên tách bạch với quyền lợi của cư dân. Bởi thực tế, đây là tài sản cả đời chúng tôi tích cóp được", cư dân cho hay và cũng chia sẻ đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng đều nhận được câu trả lời từ chối cấp sổ. Nhiều lần gia đình chị muốn thế chấp căn hộ để vay ngân hàng, nhưng các nhà băng đều từ chối vì biết toà nhà xây sai phép. 

Tuy nhiên, tình trạng Tập đoàn Mường Thanh xây sai phép dẫn đến việc các căn hộ không được cấp sổ đỏ không chỉ xảy ra tại dự án CT6C mà ở Khu đô thị HH cũng tương tự. 

Ông Phạm Hồng Tiến, HH4A Linh Đàm, tổ trưởng tổ dân phố 62 cho biết rất nhiều căn hộ bên trong dự án không nằm ở những tầng xây vượt nhưng cũng không được cấp sổ.

"Chúng tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị cho chính quyền địa phương đề nghị cấp sổ cho những tầng chủ đầu tư xây đúng luật. Tuy nhiên, đến nay cũng nhiều lần nộp hồ sơ nhưng không được, dẫn đến khó khăn về các thủ tục hành chính, vay vốn, chuyển nhượng", ông Tiến nói. 

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó phòng pháp chế Tập đoàn Mường Thanh cho biết chủ đầu tư vẫn phối hợp với cơ quan chức năng để hoàn thành cấp sổ cho cư dân và đây cũng là mong muốn của họ. "Các vấn đề phòng cháy chữa cháy mà nhiều người lo ngại, chủ đầu tư cũng đã hoàn thiện để đảm bảo an toàn cho cư dân như yêu cầu của cơ quan quản lý", ông Bình nói.

Ở các dự án Xa La, HH, ông Bình cho biết, chủ đầu tư đều đã nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội đề nghị cấp sổ đỏ cho cư dân. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý yêu cầu chủ đầu tư bổ sung một số giấy tờ có liên quan, song đến nay vẫn chưa bàn giao được sổ hồng cho cư dân.

Liên quan đến những sai phạm của doanh nghiệp, đại diện chủ đầu tư cho biết sẽ phối hợp với cơ quan quản lý để khắc phục, xử lý sớm nhất, kể cả việc phải nộp bổ sung tài chính. 

Nhiều khách mua bất động sản bị lợi dụng do đặt cọc vội vàng

Nhiều khu đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su, đất không được quy hoạch là đất ở, nhưng đã bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán đất, bán đất nền.

TIN MỚI NHẤT