Theo một nghiên cứu của Hoa Kỳ về tác động của nội dung hài hước trực tuyến, một vài bức ảnh vui mỗi ngày có thể giúp mọi người đối phó tốt hơn đối với những căng thẳng hàng ngày của cuộc sống trong thời kỳ đại dịch.
- Người phụ nữ suýt ném vào thùng rác viên kim cương trị giá 2 triệu bảng Anh
- Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới kêu gọi chia sẻ vaccine cho các quốc gia nghèo
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychology of Popular Media, những bức ảnh hài hước (hay còn gọi là meme) thường được chia sẻ trên mạng xã hội có thể làm tăng lòng tin của mọi người vào khả năng đối phó với dịch Covid-19.
Ý tưởng meme có thể là một "vũ khí" quan trọng trong cuộc chiến sức khỏe tinh thần trong mùa dịch không phải là điều quá xa vời như chung ra hằng tưởng tượng. Một nghiên cứu trên tạp chí Scientific Reports vào năm ngoái đã chỉ ra rằng meme về chứng trầm cảm có thể giúp những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần có thể cải thiện tâm trạng.
Giáo sư tại Đại học Bang Pennsylvania cũng là tác giả chính của nghiên cứu mới đây, Jessica Myrick cho biết: "Khi đại dịch tiếp tục kéo dài, tôi ngày càng quan tâm hơn về cách mọi người sử dụng mạng xã hội nói chung và meme nói riêng như một cách để suy nghĩ về Covid-19".
Theo giáo sư Jessica Myrick, đây không phải là lần đầu cô đối mặt với hiện tượng truyền thông đại chúng trên Internet. Một trong những nghiên cứu trước đây của cô là về những tác động của video với nội dung là những chú mèo đối với sự hạnh phúc.
Đối với nghiên cứu mới đây của mình, Jessica Myrick và các cộng sự đã khảo sát trên 748 người dùng Internet vào tháng 12/2020 để tìm hiểu xem liệu các meme có ảnh hưởng đến cảm xúc, sự lo lắng, khả năng xử lý thông tin của con người trong mùa dịch hay không. Các meme được chọn trong nghiên cứu đều được những người tham gia đánh giá là hài hước và dễ thương.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã tạo hai chú thích khác nhau cho mỗi meme, một liên quan đến Covid-19, một thì không. Ví dụ, đối với meme có hình chú mèo đang giận dữ, hai chú thích được ghi vào là:
- "Nghiên cứu mới cho thấy: Mèo không thể làm lây lan Covid-19".
- "Nghiên cứu mới cho thấy: Mèo không thể phá hoại ô tô của bạn".
Bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã chọn ngẫu nhiên các đối tượng sẽ xem các meme hoặc các phương tiện truyền thông khác cũng mang thông tin tương tự. Họ phát hiện ra rằng, những người xem meme có mức độ vui vẻ và cảm xúc cũng tích cực hơn số với những người không, điều này có liên quan gián tiếp đến việc giảm căng thẳng trong mùa dịch.
Ngoài ra, những người được chọn để xem meme có chú thích là nội dung liên quan đến Covid-19 cảm thấy ít căng thẳng hơn về đại dịch so với những người cũng xem meme không liên quan đến Covid-19. Đồng thời, những người đã xem các meme có chú thích về Covid-19 thậm chí có đã suy nghĩ kỹ hơn về nội dung ảnh và cảm thấy tự tin hơn về việc đối phó với đại dịch.
Phát hiện này của nhóm nghiên cứu cho thấy sự trái ngược với một nghiên cứu trước đây về sự tác động đến tâm lý người dùng của các nền tảng xã hội như Instagram - nơi mà sắc đẹp và sự thành công được "khoe mẽ" đã có tác dụng xấu đến sức khỏe tinh thần. Đông thời, một nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng việc đọc liên tục các tựa đề tin tức về đại dịch cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng.
Tuy vậy, tác giả Jessica Myrick nhấn mạnh rằng mọi thứ hoàn toàn khác với meme.
"Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng mọi người nên hạn chế truy cập các phương tiện truyền thông liên quan đến Covid-19 vì lợi ích của sức khỏe tâm thần thì nghiên cứu của chúng tôi lại cho thấy rằng các meme về đại dịch lại giúp mọi người tự tin hơn về khả năng đối với với nó." - Jessica Myrick cho rằng các quan chức có thể sử dụng meme như một cách rẻ và dễ tiếp cận hơn đến công chúng khi muốn đưa tin về các tình huống căng thẳng.
Cuối cùng, tác giả Jessica Myrick kết luận: "Những cảm xúc tích cực liên quan đến loại nội dung này có thể khiến mọi người cảm thấy an toàn hơn về mặt tâm lý, do đó họ có thể tập trung và chú ý hơn về các thông điệp cơ bản liên quan đến sức khỏe mà meme truyền tải".