Các chuyên gia y tế hàng đầu cho rằng việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 cần phải đến được các quốc gia đang phát triển để ngăn ngừa các biến thể của virus Corona.
Việc không tiêm vaccine Covid-19 đã tạo ra những ổ dịch, những nơi hoàn hảo để sản sinh ra biến thể Omicron và đây sẽ lời cảnh tỉnh đến các quốc gia giàu có, các chuyên gia y tế nói.
Kể từ đầu mùa hè, các nhà khoa học và các chuyên gia y tế toàn cầu đã kêu gọi cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng bất bình đẳng vaccine giữa các nước giàu và nghèo. Họ cho rằng, càng nhiều khu vực trên thế giới chưa tiêm vaccine thì khả năng virus đột biến xuất hiện càng cao.
Sự xuất hiện của một biến thể như vậy sẽ làm lệch hướng các nỗ lực chấm dứt đại dịch suốt nhiều tháng qua. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, biến thể Omicron với nhiều đột biến làm tăng khả năng lây lan và gây ra nguy cơ lây nhiễm rất cao, thậm chí để lại hậu quả nghiêm trọng ở một số nơi.
Giám đốc điều hành của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAids) và đồng chủ tịch của Liên minh Vắc xin cho Tất cả mọi người (PVA), bà Winnie Byanyima nói: "Sự xuất hiện của biến thể Omicron chính là vì chúng ta đã thất bại trong việc tiêm chủng cho thế giới. Đây thật sự là một lời cảnh tỉnh.
Việc kinh doanh vaccine và các loại thuốc điều trị Covid-19 đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các hãng dược phẩm, nhưng việc nhiều người không được tiêm phòng đồng nghĩa với việc virus này sẽ tiếp tục đột biến. Đó thật sự là một điều điên rồ khi chỉ tập trung vào những việc làm tương tự nhau nhưng lại mong muốn các kết quả khác xuất hiện. Vậy nên, chúng ta thật sự cần phải làm lại từ đầu."
Cảnh báo trên của bà Winnie Byanyima được đưa ra sau khi số liệu của PVA chỉ rõ số mũi tiêm vaccine Covid-19 nhắc lại hoặc mũi thứ 3 ở Anh Quốc tương đương với tổng số người tại các quốc gia nghèo nhất trên thế giới được tiêm chủng.
Anh Quốc đã cán mốc 20 triệu lượt tiêm liều vaccine tăng cường hoặc liều thứ ba chỉ vài ngày sau khi nước này tuyên bố mở rộng chương trình tiêm chủng cho mọi người trưởng thành trong nước. Đồng thời, theo thống kê của Our World In Data, chỉ có 20 triệu người trong top 27 quốc gia được Ngân hàng Thế giới phân loại là các quốc gia có thu nhập thấp đã được tiêm chủng đầy đủ.
Giám đốc chính sách y tế tại tổ chức phi lợi nhuận Oxfam, bà Anna Marriott khẳng định rằng với mối đe dọa mới đến từ biến thể Omicron, thế giới không thể thoát khỏi đại dịch trong khi bỏ lại phần lớn các quốc gia đang phát triển ở phía sau. Bà cho rằng, nếu như tất cả các quốc gia đều không được tiêm chủng sớm thì các làn sóng dịch sẽ cứ thay nhau kéo đến.
"Chúng ta không thể sửa chữa được những sai lầm trong 21 tháng qua nhưng các quốc gia phát triển có thể vạch ra một con đường mới. Cụ thể, họ cần phải yêu cầu các hãng dược chia sẻ các thành tựu về khoa học và công nghệ đến các nhà sản xuất đủ điều kiện trên toàn thế giới để bất kỳ ai cũng có thể được tiêm chủng và từ đó đại dịch này mới kết thúc." - Anna Marriott cho biết.