Các nhà nghiên cứu đến từ Ý vừa công bố hình ảnh đầu tiên của biến thể Covid-19 Omicron và khẳng định rằng chúng là phiên bản đột biến cao nhất của virus Corona ban đầu cho đến thời điểm hiện tại.
Bên cạnh việc phát hiện ra biến thể Omicron vào đầu tuần trước, cả thế giới hiện đang trong tình trạng báo động khi khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng mà nó có thể gây ra vẫn chưa thể xác định được.
Hình ảnh đầu tiên của biến thể Omicron được công bố vào thứ Bảy ngày 27/11 vừa qua bởi một nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Bambino Gesù ở Rome được Giáo sư Carlo Federico Perno điều phối và Giáo sư Claudia Alteri giám sát.
Nếu so sánh hình ảnh các protein gai của biến thể Omicron bên cạnh cấu trúc của biến thể Delta có thể thấy tỷ lệ đột biến cao hơn nhiều. Được biết, gai protein đột biến là phần quan trọng nhất để virus xâm nhập vào cơ thể con người.
Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang tìm kiếm thông tin mới về biến thể Omicron.
Theo các nhà nghiên cứu đến từ Ý, biến thể Omicron có đến 43 đột biến trên gai protein, tức là hơn 2 lần so với 18 đột biến của biến thể Delta hiện đang "hoành hành" trên thế giới.
"Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc biến thể Omicron nguy hiểm hơn các biến thể khác mà chỉ đơn giản chứng minh được rằng virus đã thích nghi hơn với con người bằng cách tạo ra một biến thể khác mà thôi." - các nhà nghiên cứu đến từ Ý cho hay.
Kể từ khi được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) các định là một biến thể "đáng lo ngại" vào thứ Sáu vừa qua, các ca dương tính với Omicron đã được tìm thấy tại nhiều khu vực trên thế giới như Botswana, Israel, Hong Kong, Bỉ,... làm dấy lên mối quan tâm toàn cầu về việc di chuyển. Nhiều quốc gia cũng đã ban hành hạn chế đối với những người đến từ các quốc gia nằm ở phía Nam châu Phi.