Vào ngày 9/6, BS.CKII. Chung Tấn Định, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh Sóc Trăng cho biết vừa hoàn thành ca cứu sống ngoạn mục cho bé 4 tuổi bị lồng ruột.
- Ăn phải sinh vật nguy hiểm trong bữa trưa, hai người hôn mê sâu phải nhập viện
- Vét sạch 100 hạch ung thư di căn ở cổ người phụ nữ ngoài 50
Dẫn nguồn tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 7/6 vừa qua, Khoa Cấp cứu Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận bé gái V.T.B.N (51 tháng tuổi, ngụ tại phường 7, TP Sóc Trăng) được chẩn đoán lồng ruột.
Theo ghi nhận từ người nhà, đêm bé đang ngủ thì đột ngột đau bụng từng cơn dữ dội, đau ngày càng tăng dần nên đã đưa bé vào bệnh viện.
Tại bệnh viện, bé N. được hội chẩn liên khoa, các bác sĩ kết luận bé bị lồng ruột và được tiến hành tháo lồng bằng hơi.
Tuy nhiên, do khối ruột bị lồng quá to, ê kíp các bác sĩ đã không thể tháo bằng hơi. Cụ thể, qua nội soi phát hiện khối lồng to góc hồi manh tràng, bờ mạc treo hồi tràng có nhiều hạch, ruột thừa bị cuốn vào khối lồng, viêm to...
Nhanh chóng, các bác sĩ đã đi đến quyết định áp dụng phương pháp mổ nội soi để tháo lồng ruột, đồng thời cắt đi ruột thừa.
Kết quả, sau ca mổ, bé N. đã tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô, nhịp thở dần ổn định và bé uống được sữa. Dự kiến bé có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Lồng ruột là tình trạng một đoạn ruột lộn lại và chui vào lòng của đoạn ruột kế cận, gây nên tắc ruột cơ học gây ứ trệ thức ăn, dịch tiêu hóa, tắc nghẽn dòng máu nuôi ruột, có thể dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử, thủng ruột… Nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời rất nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện nay, nguyên nhân gây ra hiện tượng trẻ bị lồng ruột vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố có ảnh hưởng tới nguy cơ lồng ruột ở trẻ như: sự mất cân đối giữa kích thước của hồi tràng so với van hồi manh tràng, viêm hạch mạc treo ruột, có polyp hoặc khối u ở ruột, viêm nhiễm ở ruột, dính ruột, các sẹo tổn thương ở ruột hoặc sau viêm đường hô hấp.
Trước 48 giờ sau lồng ruột, chỉ có khoảng 2,5% khối lồng ruột bị hoại tử. Sau 72 giờ lồng ruột, tỷ lệ hoại tử khối lồng là 80%. Hoại tử ruột do lồng ruột sẽ dẫn tới hiện tượng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, sốc nhiễm khuẩn, thủng ruột gây viêm phúc mạc, khiến bệnh nhi tử vong.
Nếu trẻ bị lồng ruột được đưa đến bệnh viện sớm, bác sĩ chỉ cần tháo lồng ruột bằng hơi. Nếu trẻ được đưa tới viện muộn hoặc khi thủ thuật tháo lồng ruột bằng hơi thất bại, tùy tình hình mà bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.