Mới đây, trường hợp của một nữ sinh tại Huế ngưng tim đột ngột khiến nhiều người hoang mang, bác sĩ lên tiếng cảnh báo về nạn nhân đột quỵ đang được ''trẻ hóa''.
- TP.HCM bổ sung vitamin A liều cao cho khoảng 280.000 trẻ từ 6-35 tháng tuổi
- Sau nhiều trường hợp nhiễm sán, nghiên cứu biến tiết lợn thành nước sạch cho người dân sử dụng
Dẫn nguồn tin từ Sức khỏe & Đời sống, mới đây tại TP. Huế xảy ra sự việc em P.T.N., sinh viên năm 2, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đang học ở giảng đường bất ngờ ngã quỵ. Phát hiện sự việc, các sinh viên trong lớp lập tức thông báo với giảng viên, phối hợp với tổ y tế nhà trường nhanh chóng gọi xe cứu thương đưa N. đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu.
Tại Khoa hồi sức tích cực, qua thăm khám, các bác sĩ xác định em N. bị ngưng tim, nguyên nhân do bệnh tim mạch. Bệnh nhân hiện tỉnh táo, đã rút nội khí quản, huyết động ổn định, ăn uống tốt và đang tiếp tục theo dõi, điều trị tích cực.
Ngừng tim đột ngột có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như chảy máu, sốc, mất cân bằng điện giải, bất thường cấu trúc tim, viêm cơ tim…
Ngừng tim đột ngột là tình trạng mất chức năng tim bất ngờ, khiến một người đột ngột ngã quỵ, bất tỉnh và ngừng thở. Trong trường hợp này, tim ngừng đập, máu ngừng chảy lên não và các cơ quan quan trọng khác. 90% trường hợp ngừng tim xảy ra bên ngoài bệnh viện đều gây tử vong.
Điều trị ngừng tim đột ngột khá khó, nhưng dựa vào nguyên nhân từ đó thực hiện các biện pháp kiểm soát có thể giúp người bệnh tăng cơ hội sống. Ngừng tim có thể do hầu hết mọi loại bệnh tim gây ra. Nguyên nhân gây ngừng tim ở người lớn và trẻ nhỏ thường khác nhau.
ThS.BS Lê Vũ Huỳnh - Phó trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi nhưng thực tế có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào. Tỷ lệ người bị đột quỵ dưới 50 tuổi có xu hướng ngày càng tăng.
Có nhiều yếu tố dẫn đến đột quỵ ở người trẻ. Trong đó, sự dịch chuyển của xã hội theo xu hướng làm tăng các yếu tố nguy cơ đột quỵ là nhân tố chính. Tăng tiêu thụ rượu bia, sử dụng nhiều đồ ngọt, hút thuốc lá và lối sống ít vận động về thể chất dẫn đến tăng tỷ lệ các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu là các bệnh lý nền có thể gia tăng nguy cơ đột quỵ
Các bước cấp cứu ngưng tim ngưng thở
- Đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng, khô ráo, thoáng đãng. Nới lỏng quần áo và bỏ các trang sức trên ngực nạn nhân (nếu có).
- Quỳ 2 chân sát bên hông nạn nhân.
- Đặt gốc cổ tay lên ngực nạn nhân, giữa các xương sườn (2 gốc cổ tay xếp chồng lên nhau, các ngón tay của 2 bàn tay đan lại với nhau). Người thực hiện hồi sức tim phổi cho nạn nhân cần ngồi đúng tư thế sao cho 2 cánh tay có thể duỗi thẳng thành một góc 90 độ so với lồng ngực nạn nhân.
- Dùng sức nặng của toàn thân trên (không phải chỉ của cánh tay) ấn thẳng xuống lồng ngực, độ lún ít nhất 5cm. Ấn mạnh và nhanh ít nhất 100 lần/phút.
- Sau khi thực hiện động tác ấn 30 lần, đẩy đầu nạn nhân ngửa ra sau và nâng cằm lên để mở đường thở.
- Thực hiện tiếp động tác hà hơi thổi ngạt bằng cách dùng tay kẹp chặt mũi, áp khít miệng mình vào miệng nạn nhân và thực hiện thổi hơi vào miệng nạn nhân, 15-18 lần/ phút. Lưu ý, trước mỗi lần thổi ngạt, người thực hiện sơ cứu cần hít hơi sao cho không khí vào phổi càng nhiều càng tốt.
- Khi thấy lồng ngực phồng lên, tiếp tục thổi ngạt hơi thứ hai.
- Trường hợp lồng ngực nạn nhân vẫn chưa có dấu hiệu phồng lên, bạn tiếp tục để nạn nhân ở tư thế đầu ngửa, nâng cằm và thực hiện thổi ngạt.