Nhiều người vẫn lo lắng không biết công tác điều trị tại nhà của mình đã chính xác hay chưa, ngoài ra liệu bản thân có thể đối mặt với tình trạng hậu COVID hay không.
- Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị block nhánh phải và block nhánh trái
- 7 thứ nên ăn, 3 món cần tránh khi F0 điều trị tại nhà
Những ngày gần đây, số ca nhiễm COVID tại Việt Nam ngày càng tăng cao, trong đó phần lớn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và đủ điều kiện để tự điều trị tại nhà. Dù các triệu chứng của COVID đa phần không quá nghiêm trọng, thế nhưng có nhiều người vẫn lo lắng không biết công tác điều trị tại nhà đã chính xác hay chưa, ngoài ra liệu bản thân có thể đối mặt với tình trạng hậu COVID hay không. Những thắc mắc đó sẽ được các bác sĩ giải đáp ngay bên dưới đây.
2 sai lầm phổ biến của F0 khi tự điều trị tại nhà
Theo bác sĩ đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân y): Có 2 sai lầm mà F0 thường mắc phải khi điều trị tại nhà.
1. Xông quá nhiều lần trong một ngày, xông cả người, xông quá lâu, xông quá nóng
BS Quang phân tích: Virus không tập trung trên da, việc xông cả người không có tác dụng trong trường hợp này, thậm chí còn gây giãn mạch, mất nước, tụt huyết áp. Vốn dĩ việc sốt cao đã gây mất nước rồi, nếu F0 để mất nước thêm thì sẽ khiến cho bệnh càng thêm nặng. BS khuyên F0 chỉ nên xông vùng mặt 1 lần/ngày là đủ.
Khi F0 bị ho, hắt hơi, sổ mũi tức là niêm mạc đường hô hấp đang bị tổn thương, nếu xông quá nhiều, quá nóng thì không khác gì "thêm dầu vào lửa". Hãy nhớ rằng tác dụng của việc xông chỉ giúp bạn loãng đờm, làm sạch và thông thoáng đường thở chứ không phải rút ngắn thời gian diễn tiến bệnh. Do đó bạn chỉ nên tiếp tục việc xông nếu như sau khi xông bạn cảm thấy dễ chịu, nếu không thì không cần.
2. Kiêng tắm quá kỹ
"F0 không cần phải kiêng tắm tuyệt đối", BS Quang nhận định.
Nếu người quá bẩn, quá khó chịu bạn vẫn có thể tắm nhưng cần đảm bảo các điều kiện sau đây: Đầu tiên cơ thể lúc đó không được sốt, cơ thể tỉnh táo, không bị tụt huyết áp, nếu có người nhà đang ở cùng thì càng tốt. Thứ hai, phòng tắm phải kín gió, tắm thật nhanh trong vòng 10 phút bằng nước ấm. Tắm xong thì lau người thật kỹ, mặc quần áo đủ dài che chắn kín người rồi mới ra khỏi phòng tắm.
"Những ai đang và đã bị F0 thì biết, mắc COVID không hề sung sướng chút nào. Âm tính rồi vẫn có thể bị hậu COVID: khó thở, tụt hơi, và rất nhiều khó chịu khác. Thậm chí bị một lần, sau này rất có thể tái nhiễm. Thế nên tất cả mọi người luôn phải có tâm lý phòng bệnh, đừng có tâm lý giờ F0 đầy đường, thấy F0 là bình thường và không còn sợ COVID nữa. Bạn không sợ nhưng nếu như bạn mắc COVID và lây bệnh cho người nhà thì sao, nhất là cho mẹ già và em nhỏ. Việc đeo khẩu trang là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng tránh COVID-19", BS Quang nói.
Thuộc 1 trong 3 nhóm này, bạn cần đi khám hậu COVID
Hiện nay, có không ít bệnh nhân dù khỏi COVID-19 nhưng vẫn còn tồn tại các triệu chứng dai dẳng, thậm chí có người còn phải quay lại bệnh viện để điều trị. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu COVID-19 (post COVID-19 condition).
Theo đó, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.
Có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng), những nhóm người cần đi khám hậu COVID-19 gồm:
- F0 bệnh nặng, từng phải điều trị trong phòng hồi sức; hay nhóm người dù âm tính nhưng vẫn cần phải điều trị tại khu phục hồi chức năng...
- Dù đã âm tính nhưng vận động vẫn thấy ngộp thở, tức ngực, vận động kém... đây là dấu hiệu đặc trưng của hậu nhiễm vì vậy cũng cần đi khám. Tuy nhiên, đó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn, việc đi khám kịp thời sẽ giúp nhanh tìm ra phác đồ điều trị phù hợp.
- Người bệnh sau COVID có dấu hiệu tâm thần như hoảng loạn, lo âu, bế tắc.
Người bệnh sau COVID nên chú ý các dấu hiệu trong cơ thể, nếu sau khi khỏi COVID-19, người không có triệu chứng hoặc vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường thì không phải đi khám. Chỉ đi khám khi có các triệu chứng trên dai dẳng vài tuần, vài tháng