Một nam bệnh nhân bị bị viêm túi thừa đại tràng sigma, phải phẫu thuật 2 lần trong 1 tháng vì bác sĩ chẩn đoán sai, phẫu thuật không đúng nên bị thủng ruột non.
- Người đàn ông bụng to như 'mang thai' vì gặp phải khối u hiếm nặng 5,5 kg trùm toàn bộ thận trái
- Bệnh nhân ung thư gan ngày càng được trẻ hóa, nhiều bác sĩ quan tâm lo lắng
Theo thông tin ghi nhận từ VietNamNet, bệnh nhân cho biết trước khi bị bác sĩ tuyến dưới mổ nhầm, sức khỏe ông bình thường, mỗi ngày vẫn chạy từ 4-5km, không uống rượu bia. Vì thế, ông rất bất ngờ khi phải phẫu thuật nhiều lần.
Đáng nói, sau phẫu thuật ở tuyến dưới, ông xuất hiện biến chứng rò tiêu hóa, tình trạng nhiễm trùng ngày càng tăng. Tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), ông buộc phải mổ lại.
Tổn thương trong mổ được xác định là 3 lỗ thủng trong ruột non, đã được bác sĩ mổ lần đầu (ở tuyến dưới) khâu lại nhưng không thành công, nên đã bị bục, gây viêm phúc mạc. Đại tràng sigma không tìm thấy lỗ thủng, chỉ có viêm dày thành đại tràng do túi thừa.
Theo thông tin ghi nhận từ Zing News, viêm túi thừa đại tràng là bệnh lý thường gặp, nhưng thực tế lại không có triệu chứng đặc hiệu nên thường bị chẩn đoán nhầm là viêm đại tràng hoặc hội chứng ruột kích thích.
Trường hợp như bệnh nhân trên đây, nếu được chẩn đoán đúng chỉ cần điều trị nội khoa bằng kháng sinh, thay đổi chế độ ăn uống, có thể qua cơn đau cấp và ổn định bệnh; không cần phẫu thuật.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, cho biết bệnh túi thừa đại tràng có thể viêm đi viêm lại. Khi viêm tái phát nhiều lần, bác sĩ mới xem xét chỉ định mổ, với điều kiện mổ phiên (không phải mổ cấp cứu - PV), được chẩn đoán chính xác và có sự chuẩn bị mới tiến hành mổ.
Viêm túi thừa bên phải có triệu chứng rất giống viêm ruột thừa cấp, nếu chẩn đoán không chính xác, mổ nhầm, cũng chỉ thấy hình ảnh viêm túi thừa. "Trong tình huống đó, khi mổ ra, không cần làm gì, chỉ đóng bụng lại", ông nói. Trường hợp nam bệnh nhân trên đây được bác sĩ tuyến dưới mổ cấp cứu, gây ra hậu quả là thủng ruột non.
Theo bác sĩ Tuấn, lẽ ra bệnh nhân không phải can thiệp phẫu thuật, không phải nằm điều trị thời gian dài. Sau khi bị mổ nhầm, bệnh nhân phải cắt đi ruột, dính trong ổ bụng nhiều do dịch ruột non lan tràn gây viêm dính, hậu quả nặng nề.
Bệnh lý túi thừa đại tràng rất phổ biến, thường gặp nhất là người sau tuổi 40. Phần lớn người bệnh không có triệu chứng trong khi một số có thể gặp đau bụng nhiều kèm sốt, chướng bụng, đầy hơi.
Túi thừa đại tràng là những túi nhỏ, phồng lồi ra bên ngoài thành đại tràng. Túi thừa có thể xảy ra bất cứ nơi nào ở đại tràng nhưng phổ biến nhất là ở gần cuối của đại tràng phía bên trái (đại tràng chậu hông).
Viêm túi thừa là tình trạng túi thừa bị viêm nhiễm và các mô xung quanh túi thừa sưng phù nề. Viêm túi thừa có thể diễn tiến gây các biến chứng như xuất huyết, thủng gây đau bụng dữ dội, sốt, buồn nôn, tiêu chảy, đi tiêu ra máu.