Sau khi tự chế biến món ăn từ nguyên liệu ''lạ'', 3 du khách Tam Đảo đều xuất hiện tình trạng tê môi, lưỡi, chân tay, một người phụ nữ có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, kích động.
- Những bệnh về mắt vào mùa hè và cách chăm sóc cho 'cửa sổ tâm hồn' ai cũng nên biết
- Phát hiện 2 thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng ở người trẻ
Theo thông tin ghi nhận từ VietNamNet, ngày 20/6, bác sĩ Đỗ Đình Lượng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết mới đây cơ sở này tiếp nhận 3 trường hợp nghi ngờ ngộ độc hoa chuông.
Theo lời kể của bệnh nhân, họ là những người tới du lịch Tam Đảo. Trên đường đi chơi, họ hái hoa chuông về nấu ăn. Sau khi ăn khoảng 5-7 phút, cả ba người đều xuất hiện tình trạng tê môi, lưỡi, chân tay. Họ tự bắt xe xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc (cách khoảng 25km) cấp cứu.
Bác sĩ Lượng cho biết khi vào viện, ngoài biểu hiện tê môi, lưỡi, đầu chi gặp ở 3 bệnh nhân, một phụ nữ trong số đó còn có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, kích động.
Sau 10 giờ đồng hồ điều trị hồi sức tích cực, cả ba hiện ổn định.
Theo thông tin từ VTV, chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai, khoảng 18h ngày 24/3, tại bếp ăn công trình của Chi nhánh Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoàng Quân 668 có tổ chức bữa ăn tối cho 12 người ăn gồm 5 món: Canh tiết lợn nấu với ngọn cây rau đắng (rau đắng cẩy), ngọn cây rau đắng xào, thịt lợn sốt đậu phụ, cơm trắng và rượu gạo.
Sau ăn khoảng 30 phút, có 3 người có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn được đưa lên Trạm Y tế xã Thanh Bình khám và điều trị. Sau đó có 7 công nhân khác cùng ăn bữa ăn trên có biểu hiện tương tự được đưa đến trạm y tế để khám và điều trị. Trong số 12 người ăn có 2 người không ăn món cây rau rừng thì không có biểu hiện gì.
Ngay sau đó, có một số người có các triệu chứng trở nặng (có ảo giác, khó thở, môi và tứ chi tím tái) được đưa ngay lên Bệnh viện đa khoa thị xã Sa Pa khám và điều trị. Đến 8h ngày 26/3, 10 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Tất cả các bộ phận trên cây hoa chuông đều chứa độc tố nên ai đó lỡ ăn nhầm sẽ bị trúng độc ngay lập tức. Ở dạng nhẹ, bệnh nhân ngộ độc có biểu hiện nôn trớ, mệt mỏi, choáng váng… Ở thể nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng suy thận, suy tim cấp, bị ảo giác, hoang tưởng. Do độc tính của cây quá mạnh, để tránh các trường hợp ngộ độc người trồng không nên dùng bất kỳ bộ phận nào của nó để chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, để phòng chống ngộ độc thực phẩm các loại cây, quả rừng nói chung, ngộ độc quả cây hoa chuông nói riêng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo: Tuyệt đối không ăn các loại cây, quả rừng khi không rõ nguồn gốc, đặc biệt không nên trồng các cây thuộc họ cà độc dược (cây hoa chuông). Khi bị ngộ độc cây quả rừng trước hết cần gây nôn cho bệnh nhân, sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cấp cứu và điều trị.