Bệnh thận thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển có thể xuất hiện một số triệu chứng trên da.
- Chuyên gia đầu ngành thông tin vụ nhiều công nhân ngộ độc khí methanol ở Bắc Ninh: Khó cứu khi ở giai đoạn muộn, lượng chất tích lũy trong cơ thể từ lâu
- 5 vấn đề sức khỏe thường xuất hiện sau tuổi 50
Tờ Medical News Today đưa tin, hiện tại ở Mỹ có hơn 37 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn tính, nhưng chỉ có khoảng 10% số bệnh nhân biết mình mắc bệnh. Điều này là do ở những giai đoạn đầu, bệnh thận không có biểu hiện rõ rệt. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển có thể xuất hiện các triệu chứng trên da như ngứa và phát ban. 2 triệu chứng này cũng dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý thông thường khác khiến việc phát hiện bệnh thận bị muộn hơn.
Vì sao bệnh thận lại gây ngứa da, phát ban?
Các chuyên gia y tế cho rằng ngứa da có thể là triệu chứng của bệnh thận mạn tính. Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính có thể có dấu hiệu phát ban trên da, khô da hoặc có các tổn thương trên da do gãi ngứa. Các chuyên gia cho rằng tình trạng này là hậu quả của việc tăng urê trong máu do tích tụ các chất độc và hóa chất mà thận không lọc được ra khỏi máu.
Ngứa da và phát ban có thể không xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh thận mà có thể xuất hiện khi nồng độ khoáng chất trong máu tăng lên do khả năng lọc của thận bị suy giảm.
Theo một đánh giá được đăng tải trên Tạp chí khoa học y tế Cureus vào năm 2019, có tới 84% những người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối có triệu chứng ngứa.
Nhận biết dấu hiệu ngứa da của bệnh thận
Triệu chứng ngứa của bệnh thận có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Bệnh nhân có thể ngứa ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Ngứa không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể gây bội nhiễm do gãi xước da.
Có tới một nửa số bệnh nhân có triệu chứng ngứa cho biết họ ngứa toàn bộ cơ thể. Số còn lại nói rằng họ ngứa ở một số bộ phận như mặt, lưng hoặc tay.
Ngứa do bệnh thận thường:
- Rầm rộ hơn vào ban đêm
- Tăng lên khi cơ thể hoạt động, khi trời nóng, khi bị stress,...
- Giảm đi khi tắm bằng nước ấm/ lạnh hoặc trong điều kiện nhiệt độ mát mẻ
Nhận biết dấu hiệu phát ban trên da của bệnh thận
Những người mắc bệnh thận mạn tính có thể không xuất hiện một dấu hiệu nào trên da hoặc cũng có thể bị phát ban, khô và rộp da.
Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, những người mắc bệnh thận mạn tính có thể có các triệu chứng sau:
- Xuất hiện các vết ban nhỏ, hình vòm và ngứa
- Có mảng ban nhỏ sần sùi
- Bị rộp da ở tay, mặt và chân
- Khô da nhiều
Các dấu hiệu khác của bệnh thận
Triệu chứng ở da có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào của bệnh thận, nhưng ngứa da là triệu chứng thường gặp của các giai đoạn sau hoặc ở bệnh suy thận.
Các dấu hiệu sớm của bệnh thận có thể khác nhau ở từng người, nhưng thường gồm 3 triệu chứng là:
Sưng, nề mặt, bàn chân, quanh mắt
Chức năng chính của thận là loại bỏ các độc tố và chất thải. Tuy nhiên, khi chức năng của thận bị suy giảm sẽ ảnh hưởng tới quá trình lọc bỏ độc tố. Điều này dẫn tới sự tích tụ chất độc và tạp chất, nước và muối dư thừa trong các mô cơ thể, cuối cùng dẫn đến sưng, nề, đặc biệt ở mặt, bàn chân, bọng mắt.
Đi tiểu thường xuyên
Thông thường, thận lọc máu để tạo ra nước tiểu, qua đó các chất thải từ cơ thể được thải ra ngoài. Tuy nhiên, khi chức năng hoạt động của thận bị ảnh hưởng, cơ thể sẽ xuất hiện những bất thường tại đường tiết niệu. Một số người có thể đi tiểu thường xuyên hơn, trong khi những người khác có thể thấy có máu trong nước tiểu. Nước tiểu có bọt hoặc bong bóng cũng là dấu hiệu của bệnh thận.
Mệt mỏi
Thận cũng tạo ra các tế bào hồng cầu. Thiếu các tế bào này có thể gây thiếu máu, từ đó làm gián đoạn việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng, gây cảm giác mệt mỏi, uể oải.
Ngoài 3 triệu chứng trên, bệnh nhân mắc bệnh thận còn có thể bị khó thở. Thận chịu trách nhiệm cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Các vấn đề về thận có thể dẫn đến tích tụ chất lỏng trong phổi, gây khó thở. Một số người cũng bị đau ngực, triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác như tim mạch.
Theo các chuyên gia, các triệu chứng sẽ xuất hiện rầm rộ hơn vào những giai đoạn sau của bệnh.
Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh thận?
Theo Viện Đái tháo đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Hoa Kỳ, để giữ cho thận luôn khỏe mạnh, chúng ta cần lựa chọn những thực phẩm lành mạnh cho cơ thể, tăng cường hoạt động thể chất, giữ cân nặng ở mức tiêu chuẩn, ngủ đủ giấc, hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn, quản lý bệnh tiểu đường cũng như huyết áp, đồng thời giảm stress.
Theo Hiệp hội Thận Quốc gia Hoa Kỳ, các nghiên cứu chỉ ra rằng một chế độ ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và rau củ là lựa chọn hoàn hảo để giúp cho thận luôn khỏe mạnh. Những loại rau màu xanh đậm, quả mọng, dầu ô liu, cá béo, nam việt quất, khoai lang cũng rất tốt cho thận.
Cũng theo đó, những người mắc bệnh thận nên tránh ăn các thực phẩm nhiều natri, kali và phốt pho.
(Nguồn: Medical News Today, Times of India)