Đến khi có những biểu hiện như giảm thị lực, đau bụng, buồn nôn… và nhập viện thì đã ở giai đoạn muộn - đây là một trong những lưu ý từ chuyên gia trong vụ việc những công nhân ngộ độc khi methanol ở Bắc Ninh.
- 5 vấn đề sức khỏe thường xuất hiện sau tuổi 50
- Bất ngờ cụ bà phát hiện chứa hơn 10 viên sỏi trong ống mật, tổn thương thận cấp, đa bệnh lý
Thông tin từ VTV cho hay, nhiều công nhân ngộ độc khí methanol trong tình trạng nặng.
106 công nhân đã được lấy máu xét nghiệm, kết quả 35 người có nồng độ Methanol trong máu. Trong đó, 22 người nhiễm Methanol chưa có triệu chứng; mức độ nhẹ, chưa có tổn thương cơ quan, chưa có triệu chứng lâm sàng, chỉ có thay đổi trên khí máu động mạch mức độ nhẹ là 8 người.
5 người nhiễm độc Methanol mức độ nặng hoặc nguy kịch, trong đó 1 người tử vong. Tiên lượng di chứng mù là 4 người, di chứng nặng với não là 1 người.
Nhận định ban đầu từ bệnh viện cho biết, đây là biểu hiện nhiễm độc methanol - cồn công nghiệp một cách từ từ, kín đáo và quá trình chuyển hóa thải trừ độc rất chậm, có thể mất nhiều thời gian. Có thể người bệnh không thấy biểu hiện gì nhưng thực chất đã nhiễm độc. Khi có biểu hiện lầm sàng, đến viện thì đã là giai đoạn muộn.
Theo Báo Sức khỏe và đời sống, việc tiếp xúc với methanol hàng ngày khiến lượng chất này được tích lũy trong cơ thể và lâu ngày dẫn đến ngộ độc khí methanol. Methanol dễ hấp thụ qua đường hô hấp, qua da hoặc đường tiêu hóa. Sau cơ thể tiêu thụ methanol, methanol sẽ chuyển hóa thành axit formic, sau đó thành formate gây tổn thương đến hệ thần kinh và thị giác. Thậm chí ngộ độc methanol có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Khi nạp một lượng lớn methanol vào cơ thể qua đường uống, phải mất nhiều giờ sau mới xảy ra các thay đổi trong máu, lúc này cơ thể chưa có biểu hiện gì. Bên cạnh đó, không có cách nào có thể ngăn được methanol lan truyền trong không khí và hấp thụ qua đường hô hấp kể cả khi sử dụng đồ bảo hộ. Bởi lẽ, phần lớn các thiết bị bảo hộ đều không ngăn được methanol trừ thiết bị thở có bình dưỡng khí.
Mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân liên quan đến nồng độ trong không khí, lượng tiếp xúc trên da, thời gian tiếp xúc dài hay ngắn, tần suất tiếp xúc…. Đến khi có những biểu hiện như giảm thị lực, đau bụng, buồn nôn… và nhập viện thì đã ở giai đoạn muộn. Nếu được phát hiện kịp thời ở giai đoạn sớm, ngộ độc methanol có thể chữa khỏi.
Để phòng tránh ngộ độc methanol trong hoạt động sản xuất, đầu tiên các cơ sở sản xuất cần lưu ý có rất nhiều hóa chất độc hại trong đó có methanol. Cần kiểm soát nguồn nhập, tránh sử dụng phải hàng giả (cồn sát trùng nhái, rượu pha cồn…) gây ảnh hưởng đến chất lượng nguyên vật liệu.
Về phía người lao động làm việc trong các lĩnh vực có sử dụng methanol như công nghiệp sản xuất sơn, dung môi công nghiệp, chất chống đông, nhiên liệu cho picnic như cồn khô, bếp lò nhỏ…; trong gia dụng như lau kính, lau chùi véc ni…; trong nông nghiệp: dung môi trong các chất bảo vệ thực vật…. cần xác định nơi nào có methanol, khi nào sử dụng methanol để có cách sử dụng an toàn.
Người lao động cần phải nắm được quyền lợi khi làm việc, được biết về việc tiếp xúc với các chất độc hại và nguy cơ nếu có để bảo vệ bản thân lao động an toàn. Nếu có nguy cơ gây ngộ độc cần kiểm tra điều kiện lao động đảm bảo an toàn, không để tiếp xúc trực tiếp với đường hô hấp, với da.