Thói quen sinh hoạt hàng ngày có mối liên hệ mật thiết đối với sức khỏe của chúng ta, thậm chí một số thói quen có thể trở thành “chất xúc tác” làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Phụ nữ mang thai thắt dây an toàn khi lái xe được không, thế nào cho an toàn?
- Loại ung thư hiếm gặp nhưng lan nhanh: 6 dấu hiệu không được bỏ qua
Ngủ trưa không đúng cách
Ngủ trưa là thói quen khá phổ biến với người Việt Nam, ngủ trưa đúng cách có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên bạn nên tránh mắc phải 3 sai lầm dưới đây khi ngủ trưa.
1. Ngủ trưa trên mặt bàn
Bác sĩ Tiêu Nghị, trưởng Khoa Hô hấp tại Bệnh viện Đại học Y Liên hiệp Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết ngủ gục trên bàn vào buổi trưa không phải là một tư thế ngủ tốt cho sức khỏe.
Tư thế ngủ này khiến cổ và cột sống phải khom về phía trước, ảnh hưởng tới độ cong sinh lý của cột sống. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, tư thế ngủ này có thể gây thoái hoá đĩa đệm vùng thắt lưng, gây ra tình trạng đau mỏi cổ, vai, gáy và thắt lưng, thoái hóa đốt sống cổ.
Ngoài ra, khi nằm sấp trên bàn, trọng tâm của cơ thể dồn lên phần trước cơ thể, dễ đè lên lồng ngực và phổi, gây cản trở hô hấp, dễ dẫn đến trong tình trạng thiếu oxy.
2. Ngủ trưa quá lâu
Một nghiên cứu thực hiện trên 4.500 người, được công bố trên Tạp chí Thần kinh học chỉ ra rằng những người ngủ trưa nhiều hơn 1 tiếng có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 88% so với những người không ngủ. Tuy nhiên, việc ngủ trưa theo kế hoạch dưới 1 tiếng lại không gặp bất cứ vấn đề sức khỏe nào liên quan đến đột quỵ.
3. Ngủ trưa sau khi vừa ăn xong
Bác sĩ Ngô Hi, Phó trưởng khoa Nội tiết của Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán, Trung Quốc cho biết, ngủ trưa ngay sau khi ăn no dễ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, do lượng thức ăn đang dồn ở trong dạ dày, nằm ngủ ngay có thể làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.
Ngoài ra, ngủ trưa ngay khi vừa ăn xong cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, dễ gây ra tình trạng mệt mỏi, chóng mặt sau khi thức dậy. Thời điểm chợp mắt buổi trưa thích hợp là khoảng 10-20 phút sau bữa trưa.
4. Ngủ trưa sai giờ
Tình trạng này thường xảy ra vào cuối tuần, khi mọi người cảm thấy buồn ngủ vào khoảng thời gian sau 4 giờ chiều, thay vì buổi trưa, lúc này mọi người sẽ ngủ từ khoảng 4 giờ chiều đến gần tối.
Chuyên gia Trương Tuấn, phó giáo sư tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần của Bệnh viện Hoa Tây trực thuộc Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc cho biết thói quen ngủ trưa sai giờ có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học. Ngủ trưa muộn đồng nghĩa với thức dậy muộn hơn và đương nhiên điều này có thể gây ảnh hưởng tới giấc ngủ vào ban đêm, khiến mọi người thức khuya hơn, gây uể oải, mệt mỏi cho ngày kế tiếp.
Thói quen ăn uống không tốt
1. Uống nước quá nhanh
Bác sĩ Hoàng Lực, giám đốc Khoa Tim mạch tại Bệnh viện Hữu nghị Trung Nhật, Trung Quốc chỉ ra rằng uống quá nhanh có thể khiến thận không kịp bài tiết và làm giảm nồng độ natri trong máu, từ đó gây hại cho não, tim mạch và có thể gây ra các triệu chứng như tức ngực, hụt hơi, khó thở.
2. Chỉ uống nước khi thấy khát
Có rất nhiều người có thói quen đợi đến khi cơ thể thấy khát khô mới đi uống nước. Đây là thói quen xấu vì khi cơ thể phát ra tín hiệu khát đồng nghĩa với việc cơ thể bạn đang bị mất nước nhẹ.
3. Thay nước lọc bằng đồ uống có đường
Các loại đồ uống có đường thường chứa nhiều đường hóa học, nếu tiêu thụ quá nhiều có thể gây ra tình trạng thừa cân, béo phì, đẩy nhanh quá trình lão hóa và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường. Vì vậy, mọi người nên uống đủ lượng nước lọc được khuyến nghị mỗi ngày thay vì uống các thức uống chứa nhiều đường.
4. Ăn quá nhanh
Bác sĩ Nguỵ Quốc, bác sĩ điều trị tại Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Đông Phương trực thuộc Đại học Y học cổ truyền Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết nguyên nhân cơ bản nhất khiến nhiều bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính là do thói quen ăn nhanh nuốt vội.
Ăn quá nhanh khiến cho thức ăn chưa được nhai kỹ và nghiền nát, điều này làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, lâu ngày sẽ dẫn đến suy giảm khả năng tiêu hóa - hấp thu dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc các bệnh như trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày.
5. Ăn quá nhiều muối
Ăn quá nhiều muối không chỉ ảnh hưởng đến huyết áp, tim mạch mà còn gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày. Bác sĩ Tôn Hào, tại Trung tâm Ung thư Đường tiêu hóa của Bệnh viện Ung thư trực thuộc Đại học Trùng Khánh, Trung Quốc cho biết chế độ ăn nhiều muối có thể gây ảnh hưởng xấu đến niêm mạc dạ dày, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm dạ dày, loét dạ dày hay thậm chí là ung thư dạ dày.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chúng ta chỉ nên sử dụng dưới 5 gam muối/ngày.
Tập thể dục không đúng cách
1. Tập thể dục sau khi ăn no
Bác sĩ Dương Phi Yên, Phó trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Trung tâm thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cho biết, sau khi ăn no, máu sẽ tập trung nhiều hơn ở đường tiêu hóa để giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn. Nếu vận động mạnh ngay lúc này thì sẽ gây ra tình trạng đau tức bụng, khó tiêu, hoặc đau thắt ngực do máu không đủ cung cấp cho tim.
2. Thực hiện các bài tập với cường độ cao thường xuyên
Bác sĩ Chu Kiến Bình, bác sĩ chuyên khoa hô hấp tại Bệnh viện Thụy Tân trực thuộc Đại học Y khoa Giao thông Thượng Hải chỉ ra rằng tập thể dục cường độ cao liên tục có thể làm tăng nguy cơ chấn thương chẳng hạn nhu tình trạng tiêu cơ vân do cơ thể không có đủ thời gian nghỉ ngơi và hồi phục.
3. Không khởi động kỹ trước khi tập thể dục
Bác sĩ Lý Văn Huy, phó trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Liên hiệp Bắc Kinh, Trung Quốc chỉ ra rằng trước khi tập thể dục, cơ bắp vẫn đang trong trạng thái "ngủ". Do đó, mọi người cần tập các động tác khởi động để "đánh thức" cơ, khớp. Các bài tập khởi động sẽ giúp làm nóng cơ thể và ngăn ngừa chấn thương, mệt mỏi, chuột rút.
Nguồn: Aboluowang