Test nhanh COVID-19 có tác dụng gì? Cần làm gì sau khi test nhanh cho kết quả âm tính?

Sống khỏe 07/08/2020 08:54

Trường hợp bệnh nhân COVID-19 là BN714 có tiền sử dịch tễ đi về từ Đà Nẵng, khi test nhanh cho kết quả âm tính, nhưng xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR lại dương tính COVID-19 làm nhiều đặt câu hỏi, liệu âm tính đã an toàn?

Kết quả của test nhanh chính xác như thế nào?

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, test nhanh COVID-19 mang ý nghĩa sàng lọc sớm các ca bệnh nên vẫn rất cần thiết.

Test nhanh có độ đặc hiệu nhất định và độ chính xác không cao như xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR, do đó vẫn xảy ra tình huống test lần 1 âm tính, lần 2 làm lại dương tính.

Vậy nên Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân có tiền sử dịch tễ đi từ vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 dù test nhanh có kết quả âm tính thì vẫn cần phải tự cách ly 14 ngày và theo dõi sức khỏe.

Test nhanh COVID-19 có tác dụng gì? Cần làm gì sau khi test nhanh cho kết quả âm tính? - Ảnh 1

Test nhanh COVID-19 cho kết quả âm tính vẫn chưa an toàn. Ảnh minh họa

Ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cũng cho rằng, test nhanh COVID-19 chỉ mang ý nghĩa sàng lọc trong cộng đồng, không có giá trị khẳng định. Do đó, dù test nhanh có dương tính, mẫu bệnh phẩm vẫn được xét nghiệm lại bằng PCR để khẳng định.

Cần làm gì sau khi test nhanh?

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng thông tin, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể dương tính chỉ thể hiện rằng người đó đã từng bị nhiễm virus SARS-COV2 trong quá khứ, chứ không thể khẳng định người đó có đang bị bệnh, có khả năng lây bệnh hay không.

Ngược lại, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính không có nghĩa là người đó không bị nhiễm và không lây cho người khác.

Bởi người bị nhiễm COVID-19 ở giai đoạn đầu chưa có kháng thể nên xét nghiệm test nhanh sẽ âm tính, nhưng người này vẫn có thể lây cho người khác.

Quá trình âm thầm nhân lên của virus gọi là thời gian ủ bệnh và trong thời gian này, do virus chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính. Những trường hợp này hoàn toàn có thể có kết quả xét nghiệm dương tính vào những ngày sau. Thời gian ủ bệnh của hầu hết bệnh nhân là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có thể dài hơn.

Vậy nên, người đi từ vùng dịch về hoặc người có tiếp xúc với người mắc COVID-19, dù có xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính vẫn có thể là người đang nhiễm bệnh và vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho cộng đồng nên cần tiếp tục tuân thủ thực hiện cách ly theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Đà Nẵng, Hà Nội dùng hết tổng cộng 82.000 test. Tuy nhiên, 2 ngày nay Hà Nội không test nhanh cho người từ Đà Nẵng về nữa do bộ test đã hết. UBND Hà Nội có đề nghị Sở Y tế mua thêm 20.000 bộ nhưng vẫn chưa có kế hoạch bao giờ có.

Mới đây, ngành y tế Hà Nội cũng đề nghị Bộ Y tế cấp thêm test nhanh để tiếp tục sàng lọc những trường hợp trở về từ Đà Nẵng. Nhưng ông Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng không cấp test nhanh, chỉ khuyến khích làm xét nghiệm bằng PCR.

Dùng huyết tương người khỏi bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 như thế nào?

Dùng huyết tương người khỏi bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đang được kỳ vọng sẽ “cứu cánh” cho những người mắc COVID-19.

TIN MỚI NHẤT