Dùng huyết tương người khỏi bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 như thế nào?

Sống khỏe 06/08/2020 10:45

Dùng huyết tương người khỏi bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đang được kỳ vọng sẽ “cứu cánh” cho những người mắc COVID-19.

Phương pháp lấy huyết tương trị bệnh là gì?

Bộ Y tế vừa phê duyệt nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phương pháp “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi”.

Đề tài do TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec đồng chủ trì với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, bác sĩ của nhiều BV tuyến Trung ương như Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương…

TS.BS Văn Đình Tráng, phụ trách khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương người điều phối chính của nghiên cứu cho biết, trong tình hình hiện nay, dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát.

Hiện chưa có thuốc đặc trị virus mặc dù đã sử dụng các thuốc thử nghiệm như thuốc kháng virus, HIV, thuốc chống giun sán… nhưng không cho kết quả khả quan. Vì vậy cần có phương pháp mới hy vọng “cứu cánh” cho những bệnh nhân mắc COVID-19.

Dùng huyết tương người khỏi bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 như thế nào? - Ảnh 1

Dùng huyết tương người khỏi bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đang được kỳ vọng sẽ cứu cánh cho người mắc COVID-19. Ảnh minh họa

Nguyên lý của phương pháp này là lấy huyết tương của người nhiễm COVID-19 đã hồi phục để truyền cho bệnh nhân bị COVID-19 ở thể trung bình, nặng và nghiêm trọng.

Người bệnh sẽ tiếp nhận kháng thể thụ động từ huyết tương của người hồi phục. Phương pháp điều trị này sẽ cung cấp ngay kháng thể cho người bệnh để tiêu diệt virus SARS-COV-2.

TS Tráng thông tin, phương pháp dùng huyết tương của người hồi phục để chữa bệnh đã có từ rất lâu và từng được sử dụng để ngăn chặn sự bùng phát của các bệnh gây ra bởi virus như: Viêm da cơ địa, sởi, quai bị, cúm, SARS…

Ai đủ điều kiện cho huyết tương? Cách lấy huyết tương như thế nào?

Và người đủ điều kiện hiến huyết tương phải từng mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh, sau xuất viện 14 ngày, tuổi từ 18-65, nặng trên 50 kg với nam và trên 45kg với nữ. Các đối tượng hiến huyết tương sẽ được xét nghiệm miễn phí viêm gan B, HIV, giang mai... nhằm đảm bảo nguồn huyết tương sạch.

Còn người được nhận huyết tương là bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng, được xác định nhiễm nCoV bằng xét nghiệm RT-PCR, tuổi từ 18-75.

Dùng huyết tương người khỏi bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 như thế nào? - Ảnh 2

TS.BS Văn Đình Tráng, phụ trách khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

“Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy khoảng 600ml huyết tương từ người hiến tặng (người đã khỏi bệnh COVID-19).

Số huyết tương này sẽ được phục vụ cho nghiên cứu và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Để đảm bảo sức khỏe của người hiến tặng, bác sĩ sẽ dùng dung dịch huyết thanh sinh lý bù lại lượng huyết tương của người đó”, BS Tráng chia sẻ.

BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã kêu gọi người hiến huyết tương phục vụ công tác nghiên cứu, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ ngày 3/8. Từ đó tới nay có 5 người đăng ký tình nguyện hiến huyết tương, trong đó có 1 bác sĩ của BV từng mắc COVID-19.

BV Bệnh nhiệt đới Trung ương sẽ là đầu mối chính tiếp nhận và sàng lọc người đến hiến. Hiện BV đang liên lạc với các trường hợp điều trị COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh, vận động hiến huyết tương để điều trị cho các bệnh nhân nặng mắc COVID-19.

Người muốn hiến huyết tương có thể liên hệ với BV Bệnh nhiệt đới Trung ương qua số điện thoại 1900 3228 để được tư vấn, giải đáp.

WHO: Đã có 5 loại vắc xin COVID-19 thử nghiệm giai đoạn thứ 3, tốc độ chưa từng có tiền lệ

WHO cho rằng tốc độ phát triển vắc xin COVID-19 là nhanh, chưa từng có tiền lệ. Nhiều nước như Nga, Mỹ, Anh đều có những loại vắc xin COVID-19 hứa hẹn. Nhưng chúng ta có hy vọng không có nghĩa chúng ta sẽ có vắc xin.

TIN MỚI NHẤT