Mùa mưa bão cũng là thời điểm thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết gia tăng. Người dân không nên chủ quan với bệnh sốt xuất huyết vì nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
- 6 người tuyệt đối không được ăn cá vì rất độc, dừng ngay kẻo hối không kịp
- 4 thực phẩm là 'kẻ thù' của người cận thị, càng ăn mắt càng mờ dần
Tự điều trị sốt xuất huyết có thể dẫn tới tử vong
Tại Hà Nội mới ghi nhận một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Đó là trường hợp bệnh nhân nam, 57 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trước khi đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, bệnh nhân sốt 5 ngày và tự mua thuốc về nhà uống.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, tại thời điểm tới viện, bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết men gan của bệnh nhân tăng cao, bắt đầu suy gan, suy thận, suy đa tạng và được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực để chạy EMO (tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể) để hồi sức nhưng không qua khỏi.
Trước đó, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng từng tiếp nhận 1 ca sốt xuất huyết là 1 thanh niên trẻ tuổi bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà.
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng đã tự truyền dịch tại nhà, không vào viện điều trị.
Khi đưa đến Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút, được tiến hành cấp cứu, ép tim và tim đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2.
Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong do suy đa tạng.
Như vậy, cả hai bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyêt tại Hà Nội kể trên đều có điểm chung là xuất hiện triệu chứng sốt xuất huyết diễn biến nặng nhưng không đến viện ngay mà tự ý điều trị tại nhà, khi đến viện đã quá muộn.
Các chuyên gia truyền nhiễm khuyến cáo, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích.
Bệnh sốt xuất huyết thường trở nặng từ ngày thứ 3 như: rối loạn tăng tính thấm thành mạch, dễ xuất huyết nặng lên, rối loạn đông máu… Do đó, khi thấy biểu hiện nặng, người dân không tự uống thuốc hay truyền dịch tại nhà mà phải đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.
Giai đoạn nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết thường mở đầu bằng triệu chứng sốt đột ngột nhanh chóng đạt tới 39-40 độ C.
Cùng với sốt, người bệnh thấy mệt mỏi, nhức đầu (nhất là nhức 2 hốc mắt), đau mỏi các cơ khớp... Sốt liên tục, thường kéo dài 5-7 ngày (có một số ít trường hợp có thể sốt tới 8-10 ngày).
Xuất huyết là triệu chứng giúp dễ nhận biết được trên lâm sàng. Xuất huyết thường xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sốt trở đi.
Dấu hiệu xuất huyết rất đa dạng từ dấu hiệu dây thắt dương tính đến xuất huyết dưới da dạng nốt, chấm (đỏ như tôm luộc), xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, nôn ra máu rong kinh...).
Đôi khi có thể gặp xuất huyết nội tạng (chảy máu não). Cùng với xuất huyết ở bệnh nhi thường thấy gan to dưới bờ sườn, mềm. Cơ chế chảy máu trong sốt xuất huyết do 3 yếu tố: giảm tiểu cầu, giãn thành mạch và rối loạn yếu tố đông máu.
Từ ngày thứ 3 sau sốt, thành mạch máu giãn nở (do phức hợp kháng nguyên - kháng thể hình thành) làm cho nước thoát ra khỏi lòng mạch. Nếu đo hematocrit, người ta nhận thấy các tế bào máu (hữu hình) với thể tích huyết tương (vô hình) tăng lên dần.
Hiện tượng thoát mạch này dẫn đến tình trạng cô đặc máu do giảm thể tích huyết tương và dẫn đến sốc. Sốc nhẹ (sớm) thường thấy trẻ vật vã, huyết áp hạ hoặc kẹt (chênh lệch giữa huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu dưới 20mmHg), chân tay lạnh, tiểu ít. Nặng hơn, người bệnh lơ mơ, mê sảng, huyết áp không đo được, vô niệu.
Ngoài các triệu chứng lâm sàng trên đây (đủ để chẩn đoán ở cộng đồng), ở các cơ sở y tế, người bệnh thường được làm các xét nghiệm máu (số lượng tiểu cầu thường hạ dưới 100 x 109/l). Ở các bệnh viện lớn có thể làm xét nghiệm MAC - ELISA để xác định chẩn đoán.