Người cao tuổi, bệnh mạn tính có nên tiêm vắc xin cúm?

Sống khỏe 19/02/2025 07:16

Vắc xin cúm không chỉ quan trọng với trẻ em, mà còn cần thiết cho cả người lớn, đặc biệt là người cao tuổi, được coi như giải pháp toàn diện xây dựng “lá chắn thép” để bảo vệ sức khỏe.

Người cao tuổi thường kèm bệnh lý nền làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh dễ gặp biến chứng nặng, thương tổn do vi rút cúm mùa gây ra. Bệnh cúm mùa đóng vai trò như tác nhân thúc đẩy, làm trầm trọng thêm các bệnh nền có sẵn, tăng nguy cơ phải nhập viện và thậm chí là tử vong ở nhóm người cao tuổi.

Người cao tuổi, bệnh mạn tính có nên tiêm vắc xin cúm? - Ảnh 1
Ảnh minh họa/Nguồn: studioroman

Theo Hiệp hội Hô hấp châu Âu, người cao tuổi mắc cúm mùa có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 8 lần, nguy cơ đau tim và nhồi máu cơ tim gấp 10 lần, nguy cơ viêm phổi gấp 8 lần. Trong khi đó, Viện Y tế Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng cúm mùa có thể dẫn đến nguy cơ biến cố bất thường liên quan đến đường huyết lên đến 74%.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 1 tỷ ca nhiễm cúm, trong đó có khoảng 3 – 5 triệu ca bệnh nặng. Ước tính, cúm mùa là nguyên nhân dẫn đến 290.000 – 650.000 ca tử vong do bệnh hô hấp mỗi năm. Số ca tử vong do cúm chủ yếu tập trung ở nhóm đối tượng trẻ nhỏ dưới 5 tuổi ở các quốc gia đang phát triển do nhiễm trùng đường hô hấp dưới.

Những năm gần đây, tỷ lệ tử vong do cúm mùa ở người từ 65 tuổi trở lên dao động từ 70 – 85%. Tỷ lệ nhập viện do cúm ở nhóm đối tượng này là 50 – 70%. Có thể thấy, không chỉ trẻ em, mà cả người lớn cũng cần có ý thức chủ động phòng cúm bằng vắc xin, đặc biệt là người cao tuổi và những người có bệnh lý nền.

Người cao tuổi cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin cúm?

Nhóm người cao tuổi và người có bệnh lý nền cần phải tiêm vắc xin cúm để bảo vệ bản thân. Vắc xin ngừa bệnh cúm mùa sẽ được tiêm khi người cao tuổi có tình trạng sức khỏe ổn định, nghĩa là không ở trong bất kì tình trạng bất thường phải cấp cứu, đủ sức khỏe để tiến hành tiêm chủng vắc xin. Tuy nhiên, cần lưu ý với một số nhóm người cao tuổi dưới đây:

Với nhóm người cao tuổi có sa sút trí tuệ Alzheimer, không kiểm soát được hành vi của mình thì khi đi tiêm ngừa cần phải có người thân, quen đi theo cùng.

Với nhóm có kèm bệnh lý nền khi đi tiêm vắc xin cần lưu ý, nếu mắc bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, đường huyết cao, tim mạch,… đang dùng thuốc kéo dài thì vẫn cần phải duy trì dùng thuốc uống theo đơn của bác sĩ. Khi đó đảm bảo tình trạng sức khỏe ở giai đoạn ổn định sẽ được tiến hành tiêm vắc xin.

Khác với người trẻ tuổi, người cao tuổi đa phần đã có sẽ các vấn đề sức khỏe thường gặp như: Tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, loãng xương, các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm phế mạn.... Do vậy, khi người cao tuổi mắc bệnh cúm, sẽ thường nặng hơn so với người trẻ. Nếu người lớn tuổi chủ động tiêm vắc xin sẽ có được miễn dịch chủ động, đặc hiệu để phòng tránh, ngăn ngừa bệnh cúm, hoặc nếu chẳng may nhiễm bệnh cúm thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn, giảm tỷ lệ nhập viện, cũng như giảm tỷ lệ tử vong.

Người cao tuổi, bệnh mạn tính có nên tiêm vắc xin cúm? - Ảnh 2
Ảnh minh họa/Nguồn: Freepik

Vắc xin cúm có tác dụng trong bao lâu?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vắc xin phòng bệnh cúm có hiệu lực bảo vệ vượt trội lên đến 90% và giúp giảm thiểu 70-80% trường hợp tử vong do cúm mùa gây ra. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vắc xin cúm dao động trong khoảng 6 – 12 tháng bởi vi rút cúm biến đổi khó lường và liên tục thay đổi cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ năm. Chính vì vậy, các trung tâm giám sát trên thế giới luôn phải theo dõi và thu thập dữ liệu nhằm xác định chính xác chủng vi rút cúm mới đang phát triển mỗi năm.

Sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ chịu trách nhiệm chọn lựa 3 chủng có khả năng lưu hành mạnh mẽ nhất vào mùa cúm tiếp theo để tiến hành điều chế loại vắc xin mới. Đó là lí do cần phải tiêm vắc xin cúm nhắc lại mỗi năm một lần, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh lý nền kèm theo trẻ em dưới 5 tuổi, nhằm đảm bảo sự tương đồng giữa chủng vi rút cúm được dùng để sản xuất vắc xin với chủng vi rút cúm đang lưu hành.

Thông thường, khi các chủng vi rút cúm được cập nhật theo tình hình thực tế, vắc xin phòng ngừa bệnh cúm sẽ phát huy hiệu quả, làm giảm khả năng vi rút cúm lây lan trong cộng đồng từ 40 - 60%.

Tái phát trầm cảm nghiêm trọng do thời tiết nồm ẩm

Nồm ẩm không chỉ khiến nhà cửa trở nên ướt át, đồ đạc ẩm mốc, quần áo lâu khô mà còn khiến nhiều người trầm cảm nặng nề.

TIN MỚI NHẤT