Các triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường xuất hiện từ từ, thậm chí trong nhiều năm khiến cho việc nhận biết trở nên khó khăn.
Bệnh tiểu đường xảy ra khi các tế bào của cơ thể ít phản ứng với insulin khiến cho tuyến tụy sản sinh ra nhiều hơn và không còn duy trì được mức độ hợp lý.
Bệnh tiểu đường nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng thành nhiều loại bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh, nhiễm trùng nướu răng, nhiễm trùng da và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng... Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm thì chúng ta có thể kiểm soát, giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.
Dưới dây là những triệu chứng sớm của bệnh, người có những dấu hiệu sau cần đi khám sớm:
Cảm giác đói dữ dội
Cảm giác đói dữ dội trong khi bạn vẫn ăn đầy đủ là dấu hiệu cơ bản cho thấy bạn đã mắc phải tiểu đường do mức độ insulin và glucose trong cơ thể giảm mạnh. Ở bệnh nhân tiểu đường, lượng đường có trong máu cao và cơ chế của cơ thể là tiết ra nhiều insulin để chuyển hóa đường vào trong cơ thể. Nhưng do cơ thể không thể sử dụng chức năng này và insulin trong cơ thể lại có khả năng kích thích cảm giác đói, insulin càng nhiều thì cơ thể càng cảm thấy đói.
Sụt cân không rõ nguyên nhân
Trong khi chúng ta cảm thấy đói và ăn nhiều nhưng lại bị giảm cân nhanh chóng thì không còn nghi ngờ gì nếu nghĩ đây là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Việc giảm cân ở đây được lý giải, do bệnh nhân tiểu đường phải sử dụng năng lượng chuyển hóa từ các mô mỡ, ngoài ra lượng đường có trong thức ăn cơ thể không thể sử dụng và được đào thải qua đường nước tiểu.
Đi tiểu nhiều và thường xuyên
Đi tiểu thường xuyên có thể do vấn đề về sức khỏe, khả nghi nhất là vấn đề bệnh thận. Nhưng nếu bạn đi tiểu nhiều cùng với lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường, đó có thể là dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Vết thương lâu lành
Khi những vết cắt, chỗ bầm tím quá lâu không lành khi hãy nghĩ ngay đến việc đi bác sĩ kiểm tra đường máu. Vết thương chậm lành được coi là dấu hiệu điển hình của bệnh nhân tiểu đường. Nguyên nhân là do lượng đường có trong máu quá cao gây khó khăn cho các hoạt động của các tế bào bạch cầu có trong máu làm cho các vết thương hở trở nên lâu lành và thường bị nhiễm trùng hơn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu đường hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng, nấm, nhiễm trùng da… do hệ thống miễn dịch bị ức chế và lượng đường trong máu cao làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể.
Xuất hiện mảng da sẫm màu
Một số người bị tiểu đường týp 2 có các mảng da màu tối, da thẫm ở chỗ nếp gấp, thường là ở nách và cổ. Tình trạng này cũng được gọi là chứng gai đen, có thể là dấu hiệu kháng insulin.