Các loại cá khô cũng là nguồn cung cấp đạm cho bữa ăn. Tuy nhiên, nếu cá khô mặn, có hàm lượng muối cao nên không tốt cho bệnh nhân bị thận mạn, tăng huyết áp, suy tim…
- Người tiêu dùng hoang mang vì ăn thịt gà hâm lại dễ bị ung thư: Chuyên gia nói gì?
- 1 loại quả "đại bổ" trong Đông y vừa chống ung thư, hạ đường huyết, vừa là "thần dược" cho người hay mất ngủ
Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, BS Đinh Trần Ngọc Mai - khoa Dinh dưỡng - Tiết chế BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, các trang mạng lan truyền thông tin nếu cơ thể có khối u thì không nên ăn thịt, cá, trứng, sữa, chỉ nên ăn các loại cá khô như lóc, sặc, dứa… để ngăn khối u phát triển.
Những thông tin này hoàn toàn sai lầm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh nếu áp dụng.
Khối u trong cơ thể phát triển do các gen di truyền, tác động của môi trường, hoá chất độc hại… Do đó, khi có khối u không phải nhịn ăn hay kiêng khem thì khối u không phát triển.
Các loại cá khô cũng là nguồn cung cấp đạm cho bữa ăn. Tuy nhiên, nếu cá khô mặn, có hàm lượng muối cao nên không tốt cho bệnh nhân bị thận mạn, tăng huyết áp, suy tim…
Do đó, người có khối u vẫn có thể ăn các loại cá khô với lượng vừa phải, cần nhớ không nên ăn thường xuyên.
Thay vì ăn cá khô trường kỳ, hãy cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể với nguồn đạm từ thịt, cá tươi, trứng, sữa và các loại đậu hạt.
Ngoài ra, cũng cần đa dạng bữa ăn với các loại rau, trái cây giúp đảm bảo nhu cầu vitamin cho cơ thể.
Dẫn tin từ Sức khỏe Đời sống, ung thư và điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến mùi, vị, cảm giác thèm ăn và khả năng ăn đủ thức ăn hoặc hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Điều này gây nên tình trạng suy dinh dưỡng, bệnh nhân sẽ trở nên mệt mỏi, chán ăn, không có khả năng chống lại sự nhiễm khuẩn hoặc không thể đáp ứng quá trình điều trị ung thư (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị). Ăn quá ít protein, thiếu năng lượng là tình trạng phổ biến đối với bệnh nhân ung thư.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị. Dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố nâng đỡ hệ miễn dịch cơ thể, cải thiện chất lượng sống, góp phần điều trị thành công bệnh.
Theo ThS Dinh dưỡng Đặng Thị Hoàng Khuê, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, trong 100g cá khô có chứa 208kcal, 120mg canxi, 900mcg sắt và chỉ có 3,9g chất béo và lượng omega-3 rất lớn… cần thiết cho cơ thể. Cá khô là món ăn kích thích vị giác, khiến ăn ngon miệng nhiều cơm hơn.
Mặc dù cá khô ngon, đưa cơm nhưng người bệnh hay người khỏe cũng chỉ nên ăn cá khô với lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều vì sẽ làm mất cân bằng dinh dưỡng của cơ thể. Ngoài ra, do cá khô chứa hàm lượng muối cao nên không thích hợp với nhiều người, đặc biệt là người có bệnh thận và huyết áp cao.
Tốt nhất nếu chọn cá khô cần chọn loại cá có tỉ lệ muối thấp, nhạt để hạn chế tối đa lượng muối dung nạp vào cơ thể. Hơn nữa, cá khô nếu không được kiểm soát dễ bị trộn, tẩm ướp các loại hóa chất bảo quản, chống thối, chống côn trùng. Trong quá trình phơi sấy không bảo đảm khiến vi sinh, nấm mốc phát triển làm cá khô bị phân hủy, tạo ra độc chất rất nguy hiểm. Việc ăn cá khô lâu dài, thường xuyên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Để an toàn cho sức khỏe, nên chọn cá khô nhạt được chế biến theo công thức truyền thống tại những cơ sở chế biến uy tín, đảm bảo, đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.