Rất nhiều người bị nứt nẻ gót chân đang rất hoang mang trước thông tin đây là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư da.
- Không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng này cho cơ thể thì nguy cơ cao bạn có thể phải đối mặt với nhiều loại bệnh ung thư
- Cho con ăn sáng bằng bánh mì kẹp thịt, mẹ sững sờ khi biết con bị ung thư ruột
Nứt nẻ gót chân là vấn đề rất hay gặp trong mùa đông. Đặc biệt là những người ở vùng nông thôn, thường xuyên đi chân đất hoặc làm nông nghiệp. Nứt nẻ vùng gót chân gây nên nhiều phiền toái cho mọi người, không chỉ đau đớn mà còn là vấn đề thẩm mỹ.
Đặc biệt, thời gian gần đây có nhiều ý kiến cho rằng, nứt nẻ vùng gót chân còn liên quan đến căn bệnh ung thư da nên càng khiến nhiều người lo lắng. Ông H. (ở Hải Dương), bị nứt nẻ gót chân từ rất lâu và năm nào cũng thế, hễ đến mùa đông gót chân lại nứt nẻ rất đau.
Khoảng 4 tháng nay, ở gót chân bị nứt ra và chảy máu không khỏi. Mỗi ngày vết loét ở gót chân càng to. Ông H. nghĩ do bị viêm nhiễm từ vết thương nên mua kháng sinh uống và rắc thuốc nhưng không đỡ. Khi đến bệnh viện khám, ông được bác sĩ chẩn đoán ung thư da.
Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Vũ Nguyệt Minh - Phó Trưởng Khoa Nghiên cứu & Ứng dụng Công nghệ Tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, ung thư da là một trong 10 nhóm ung thư hay gặp ở Việt Nam.
Qua quá trình điều trị BS Minh cho biết, nhiều bệnh nhân ung thư da khi đến viện đã trong giai đoạn muộn nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, khi có dấu hiệu vết loét lâu lành, tổn thương tăng sắc tố thâm, đen, tổn thương sùi, chảy máu, dày sừng dạng điểm … bệnh nhân nên đi kiểm tra để sàng lọc sớm ung thư da.
Riêng về vấn đề nẻ gót chân là nguyên nhân gây ung thư da, BS Minh cho biết về lý thuyết các vết thương mạn tính đều có thể ung thư hóa nhưng bệnh nứt gót chân không nằm trong nhóm bệnh này.
“Nứt gót chân là bệnh lý thuộc nhóm eczema bàn chân, mùa đông nứt nẻ chảy máu do bệnh khô da ở lòng bàn chân. Nó không phải là nguy cơ của ung thư da.Trường hợp này có thể bệnh nhân nhầm với vết loét”, BS Minh chia sẻ.
Theo BS Minh, nứt gót chân dù không gây ung thư nhưng cũng phải điều trị, người bệnh chỉ cần bôi dưỡng ẩm 1 – 2 tháng sẽ hết. Trường hợp chân vẫn nứt gót, bệnh nhân có thể đến các chuyên khoa da liễu và loại trừ nguy cơ ung thư da.
Hiện nay có ba nhóm ung thư da đó là ung thư tế bào đáy với những triệu chứng như tổn thương vùng tiếp xúc ánh sáng, có xu hướng loét, chảy máu, tăng sắc tố…
Ung thư tế bào vảy bệnh nhân là nam giới bị chít hẹp bao quy đầu, các vết loét lâu lành, các nốt sùi do virut HPV…
Cuối cùng là ung thư hắc tố trên nốt ruồi cũ hoặc mới xuất hiện với dấu hiệu hình dạng không đối xứng, màu sắc không đồng đều, dễ chảy máu, hay xuất hiện vùng gan bàn tay - bàn chân.
Đối với ung thư da, việc sàng lọc hiện nay không quá khó khăn. BS Minh lấy ví dụ điển hình như ở BV Da liễu Trung ương hiện có nhiều phương pháp để sàng lọc căn bệnh này như:
- Thường xuyên khám sàng lọc da liễu với các vết loét, sùi, tăng sắc tố, chảy máu ngoài da.
- Chụp phân tích da bằng máy Dermoscopy là một phương pháp không xâm lấn giúp xác định nguy cơ ung thư da rất tốt, nhanh chóng, thuận tiện, chi phí thấp.
- Nếu nghi ngờ cao, có thể cắt sinh thiết da để chẩn đoán xác định ung thư da. Là một phương pháp nhanh gọn, kết quả trả trong 1 tuần.