Để chuyến đi an toàn, thuận lợi đừng quên “bỏ túi” những kinh nghiệm đi du lịch mùa nóng

Sống khỏe 15/06/2022 07:52

Mùa hè thường là mùa cao điểm du lịch, nhưng bên cạnh đó du lịch những ngày trời nắng nóng cũng có nhiều điều bất tiện, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe của du khách. Để chuyến đi an toàn, thuận lợi đừng quên “bỏ túi” những kinh nghiệm đi du lịch mùa nóng dưới đây.

Phòng chống say nắng

Những chuyến đi dã ngoại, tắm biển, hoạt động thể thao ngoài trời là các hoạt động thú vị được mọi người ưa chuộng vào dịp hè. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị về sức khỏe và các biện pháp dự phòng, thì các hoạt động này luôn đi kèm với nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến ánh nắng mặt trời và nhiệt độ nóng.

Nhiệt độ môi trường cao làm cơ thể tiết mồ hôi để giải nhiệt. Nhưng độ ẩm không khí cao trong mùa hè làm cho mồ hôi khó bay hơi, cơ thể chưa giải nhiệt tốt, thậm chí còn phải nhận thêm nhiệt từ môi trường xung quanh, nên lại tiết nhiều mồ hôi nữa. Điều này dễ xảy ra khi hoạt động thể thao ngoài trời dưới nắng nóng trong thời gian dài. Mất nhiều mồ hôi sẽ làm cho cơ thể mất nhiều nước và các chất điện giải. Nếu không được bồi hoàn đủ nước và chất điện giải, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng Cảm nắng (Say nắng, say nóng) với các triệu chứng sau: Vã mồ hôi nhiều, da tái nhợt, đau đầu, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, chuột rút tay chân, đau quặn bụng, nhịp tim nhanh và nhịp thở nhanh.

Để chuyến đi an toàn, thuận lợi đừng quên “bỏ túi” những kinh nghiệm đi du lịch mùa nóng - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Nếu không được xử lý kịp thời, các triệu chứng trên sẽ nặng dần và tình trạng Cảm nắng sẽ chuyển thành thể nặng hơn là Sốc nhiệt (Heatstroke) có thể dẫn đến nguy kịch hoặc tử vong.

Để tránh bị say nắng trong các chuyến đi ngày hè, bạn cần chú ý cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể mỗi ngày. Bởi vì nhiệt độ cao có thể làm cơ thể mất nước nhanh chóng. Cần hạn chế hoạt động lâu dưới trời nắng gắt, bởi điều đó là nguyên nhân khiến cơ thể bạn bị sốc nhiệt. Trước khi đi du lịch, bạn cần chuẩn bị các phụ kiện chống nắng như mũ, ô, áo khoác… Ngoài ra, bạn cần nhớ rằng, không nên mặc những loại quần áo quá phong phanh, mà hãy ưu tiên quần áo rộng rãi và có thể tránh được nắng.

Phòng chống ngộ độc thức ăn

Nhiệt độ và độ ẩm môi trường tăng cao vào mùa hè tạo điều kiện tốt cho các mầm mống vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn trong thức ăn, đặc biệt những loại thực phẩm không được chế biến hợp vệ sinh và để phơi ra môi trường bụi bặm hoặc nhiều ruồi nhặng. Bằng cảm quan thông thường, đôi khi rất khó đánh giá chất lượng thực phẩm trước khi chúng ta ăn vào, và càng khó biết rằng liệu chúng ta có thể bị rối loạn tiêu hóa sau khi ăn hoặc uống loại thực phẩm đó hay không.

Tất cả chúng ta ai cũng ít nhất một lần trong đời bị các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Các triệu chứng thường gặp là đau bụng quặn từng cơn, tiêu chảy, nôn mửa, đôi khi sốt cao. Triệu chứng nặng và kéo dài có thể dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải và thậm chí có thể tử vong nếu nhiễm trùng đường tiêu hóa nặng.

Để chuyến đi an toàn, thuận lợi đừng quên “bỏ túi” những kinh nghiệm đi du lịch mùa nóng - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Nếu bạn biết rằng hệ tiêu hóa của mình không được tốt, hãy tranh thủ thưởng thức món ăn ngay khi vừa nấu xong, lúc còn nóng. Bởi thức ăn để quá lâu sẽ khiến chất dinh dưỡng biến mất, đồng thời nếu ở trong thời tiết nóng, thức ăn còn sản sinh ra các sinh vật khiến bạn dễ dàng bị ngộ độc.

Khi đến một hàng quán bất kì, hãy chú ý quan sát xem cách họ bày biện thức ăn, xem họ có sử dụng bao tay hay không, nếu được thì để ý xem có mùi lạ bốc lên từ các thành phần hay chúng có màu gì khác lạ hay không. Ngoài ra, bạn cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như luôn luôn rửa tay với xà phòng hoặc nước ấm, hoặc đơn giản hơn là mang theo một chai nước rửa tay sát khuẩn khô mà không cần dùng đến nước nhé.

Phòng tránh bỏng nắng

Việc vui chơi ngoài trời trong dịp hè không tránh khỏi việc để da trần tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Việc phơi nắng nóng quá nhiều có thể gây các tổn thương da cấp tính, gọi là bỏng nắng, và tiềm ẩn nguy cơ ung thư da sau này. Tác nhân gây ra các tổn thương da này là tia tử ngoại (UV A và UV B), đặc biệt có nhiều trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu phải phơi nắng thường xuyên, cơ thể chúng ta tự thích nghi và bảo vệ bằng cách tăng sinh sắc tố của da, dần dần làm cho da vùng tiếp xúc ánh nắng trở nên “đen” hơn. Tuy nhiên điều này chỉ có khả năng bảo vệ da khỏi bỏng nắng chứ không giảm nguy cơ ung thư da về sau.

Dù bạn là nam hay nữ, thì một tuýp kem chống nắng luôn là thứ cần thiết trong chuyến du lịch mùa hè. Cho dù đang ở bãi biển, đi thăm quan khu di tích hay công viên thì nắng gắt và nhiệt độ cao ở đó vẫn có thể làm ảnh hưởng đến làn da của bạn.

Để chuyến đi an toàn, thuận lợi đừng quên “bỏ túi” những kinh nghiệm đi du lịch mùa nóng - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

Hãy lựa chọn loại kem chống nắng phù hợp với làn da bạn, độ SPF tối thiểu 15 hoặc 30 tùy nơi bạn đến có nhiều nắng hay không.

Hãy chuẩn bị cho mình một chiếc kính mát (loại kính có thể lọc được tia tử ngoại) đặc biệt khi bạn đi du lịch ở biển, nơi ánh nắng giàu tia tử ngoại. Ngoài ra, đừng quên mang theo một lọ thuốc nhỏ mắt trong túi để bảo vệ mắt khi đi du lịch.

 Lựa chọn quần áo mỏng nhẹ, thoáng... để dễ thoát mồ hôi và khô nhanh. Luôn đội mũ rộng vành để tránh nắng trực tiếp vào đầu, cổ.

Làm mát đầu và cổ của bạn bằng cách cuốn quanh cổ một chiếc khăn dày hơi ẩm. Việc này có thể không làm mát hoàn toàn cơ thể bạn nhưng sẽ phần nào giúp bạn thấy dễ chịu hơn.

Chuẩn bị các loại thuốc cần thiết

Để đề phòng các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra trong chuyến đi du lịch, bạn cần chuẩn bị sẵn một số loại thuốc men như thuốc say xe, thuốc tiêu hóa, tiêu chảy, thuốc cảm, viêm họng, thuốc chống côn trùng, dầu gió, các thuốc đang điều trị bệnh mạn tính theo đơn của thầy thuốc, đặc biệt là các thuốc tim mạch, các thuốc dùng cho người có bệnh cơ địa như thuốc hen, thuốc chống dị ứng… Ngoài ra, đừng quên mang theo những vận dụng y tế thông dụng như: băng keo cá nhân, gạc, băng keo y tế, khăn giấy ướt khử trùng, nhíp, kéo nhỏ, thuốc mỡ kháng khuẩn,…

Để chuyến đi an toàn, thuận lợi đừng quên “bỏ túi” những kinh nghiệm đi du lịch mùa nóng - Ảnh 4
Ảnh minh họa: Internet

Hy vọng với một số lưu ý giữ sức khỏe khi du lịch hè trên đây sẽ giúp bạn biết cách tự bảo vệ sức khỏe của mình cũng như người thân, bạn đồng hành trong toàn bộ chuyến đi.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn uống quá nhiều cà phê trong một ngày?

Cà phê là một trong những thứ đồ uống được khá nhiều người yêu thích và sử dụng mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu như lạm dụng cà phê sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe cũng như tinh thần cũng mỗi người.

TIN MỚI NHẤT