Ngày 23/6, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có 12 ca bệnh dương tính với Corynebacterium Diphtheriae (vi khuẩn gây bệnh bạch hầu).
- Mổ ruột thừa nên ăn gì và kiêng gì để nhanh hồi phục?
- Một gia đình 4 người thì 3 người mắc ung thư gan, thủ phạm là gia vị được ăn hàng ngày trong bếp
Cụ thể, tại huyện Krông Nô có 4 ca; Đắk Glong 8 ca (5 ca ở xã Quảng Hòa và 3 ca ở Đắk R'Măng). Hiện ngành Y tế tỉnh đang ráo riết vào cuộc nhằm ngăn chặn, dập tắt tại các ổ dịch bệnh bạch hầu nói trên.
Trong diễn biến liên quan, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã bàn giao 10.000 liều vắc xin phòng, chống bệnh bạch hầu cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông. Toàn bộ số vắc xin này phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh bạch hầu tại 2 ổ dịch vừa phát hiện ở các xã Quảng Hòa, Đắk R'Măng và tiêm phòng cho nhóm đối tượng từ 7 tuổi đến dưới 40 tuổi và tiêm vét vắc-xin cho nhóm đối tượng thuộc diện tiêm chủng.
Đối với những trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân nhiễm bạch hầu trước đó đã được cập nhật danh sách kịp thời và cấp thuốc điều trị dự phòng đến người dân.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng tiến hành lấy hơn 300 mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm. Đối với động đồng dân cư, các hộ gia đình có người bệnh đã được tiến hành các bước khử khuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
Đến trưa 23-6, ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đang cách ly 555 người ở xã Quảng Hòa và 307 người tại xã Đắk R’măng 307. Riêng tại ổ dịch ở huyện Krông Nô có 400 người đã hết thời hạn cách ly 7 ngày.
Trước tình hình bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, không để lây lan, bùng phát trên diện rộng. Tỉnh Đắk Nông đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường phòng, chống bệnh bạch hầu.
Theo đó, Sở Y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn:
- Tiếp tục tăng cường, chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan và bùng phát ra cộng đồng;
- Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, giám sát, hướng dẫn công tác vệ sinh, xử lý môi trường phòng, chống bệnh bạch hầu theo hướng dẫn Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn có bệnh và khả năng bùng phát bệnh cao. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ sở cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa số trường hợp biến chứng nặng và tử vong.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố phối hợp ngành y tế đẩy mạnh truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu trong trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức tốt công tác vệ sinh trường học, tuân thủ tiêm chủng và điều trị dự phòng bệnh bạch hầu…
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông, sau khi nhận thông tin có ca bệnh bạch hầu đầu tiên tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, đơn vị đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Bệnh nhân tử vong đã được thực hiện mai táng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh nhân thứ hai đã được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) để điều trị và hiện đã ổn định sức khỏe.